Chào mừng các bạn đến với trang nhà của Tăng thân Tiếp Hiện cư sĩ người Việt tại Đức (TTTHCSNVTĐ).
TTTHCSNVTĐ bao gồm các cư sĩ Tiếp Hiện hiện đang sinh hoạt trong các tăng thân địa phương thực tập theo pháp môn Làng Mai ở những thành phố thuộc các tiểu bang của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức. Dòng tu Tiếp Hiện được Thầy (thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh) sáng lập vào năm 1966 tại Việt Nam.
Chúng tôi, gồm những cư sĩ đã thọ giới Tiếp Hiện (chúng chủ trì) và những cư sĩ đang tập sự để được thọ giới Tiếp Hiện (chúng đồng sự) cùng đến với nhau dưới một mái nhà chung để nâng đỡ, yểm trợ nhau trên con đường thực tập. Chúng tôi lấy Mười Bốn Giới Tiếp Hiện làm kim chỉ nam trong đời sống hàng ngày, nguyện tiếp nối chí nguyện của Thầy và của các anh chị Tiếp Hiện đi trước, trên con đường thực tập chuyển hóa tự thân và phụng sự xã hội.
Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn ý nghĩa của logo: Bàn tay nâng cành hoa cúc
Hoa cúc: Hoa cúc không rực rỡ như mẫu đơn cũng không thơm nồng nàn như hoa hồng. Hoa cúc tao nhã và thoát tục, hương thơm nhẹ dễ chịu. Từ xưa, nhiều thi nhân xem hoa cúc như biểu tượng của chí khí người ẩn sĩ, sống đạm bạc không màng danh lợi, xa lánh cám dỗ của người đời
Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) là một thi nhân nổi tiếng đời Tấn. Ông trở về với thiên nhiên, sống một đời sống tự do, thanh bạch. Ông thường làm thơ ca vịn hoa cúc và chí khí của một ẩn sĩ:
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam Sơn.
Am tranh dựng chỗ đông người
Tiếng ngựa xe ấy không hề động tâm
Hỏi người sao được như vầy
Lòng đà yên lắng cảnh còn chẳng xa
Xuống bờ giậu đông hái cúc
Thong dong ngước mắt ngắm nhìn núi Nam.
Khi các loài hoa khác bắt đầu tàn thì hoa cúc lại lặng lẽ nở trong khí lạnh của tiết Thu. Đó là cốt cách của người quân tử, thanh khiết, cao nhã, chính trực, ngay thẳng.“Tâm đạm như cúc” là nếp sống của người Tiếp Hiện, không khoa trương, sống khiêm cung, giản dị nhưng kiên cường, mạnh mẽ, can đảm đối mặt với những khó khăn, thách thức để thực hiện chí nguyện cao đẹp của mình.
Lá cúc: Ba chiếc lá cúc tượng trưng cho Niệm – Định – Tuệ tức trái tim của sự thực tập.
Bàn tay: Bàn tay tượng trưng cho chí nguyện của người Tiếp Hiện, đưa sự thực tập đạo Bụt đi vào cuộc đời để giúp cho người bớt khổ.
Bàn tay cũng là bàn tay của Thầy, vị tổ sư đã lập ra Dòng tu Tiếp Hiện. Thầy luôn đồng hành nắm tay chúng ta cùng đi trên con đường phụng sự.
Bàn tay cũng là bàn tay của tăng thân, của giới luật đang nâng đỡ, yểm trợ và bảo hộ cho chúng ta.
Bàn tay nâng cành hoa cúc mang ý nghĩa: Khi người Tiếp Hiện có chí nguyện lớn làm động lực, có sự thực tập pháp môn làm sức mạnh thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua.