Anh Jean Pierre – Chân Linh Từ là một giáo thọ Tiếp Hiện cư sĩ người Pháp sinh hoạt trong tăng thân Paris. Lá thư anh viết gửi Thầy và các bạn đồng tu là những lời tâm tình từ trái tim của một người, không phải là nguời Việt, nhưng đã tìm thấy hạnh phúc thật sự nhờ sự thực tập trong một cộng đồng tu tập người Việt. Nhờ sự thực tập mà anh đã nhận diện và chữa lành được những vết thưong của quá khứ. Xin mời các bạn đọc bức thư tâm tình đầy xúc cảm này.
Kính bạch Thầy,
Kính thưa quí thầy, quí sư cô,
Kính thưa đại chúng,
Khi đến Làng Mai lần đầu tiên vào tháng bảy năm 1983 tôi chỉ mới 26 tuổi. Hồi đó Làng Mai có tên là Làng Hồng. Người ra đón tôi ở Xóm Hạ ở Meyrac là cô Phượng, tức sư cô Chân Không của chúng ta bây giờ. Sau khi nghe tôi giới thiệu mình là ai, do đâu mà tôi biết được Làng để tới một cách bất ngờ như vậy thì cô Phượng kêu lên:“A thì ra là anh, anh là Jean Pierre! Anh Jean Pierre đã từng giúp cho những người Việt đến tị nạn ở Pháp phải không?“ Tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ở đây lại biết tôi, một nơi mà trước đây tôi chưa hề đặt chân tới, hơn nữa lại là một nơi chỉ toàn là người gốc Việt.
Tôi đến Làng Hồng theo sự chỉ dẫn của một anh bạn người Việt Nam tên là Bá Thư. Anh Bá Thư đã tặng tôi cuốn sách“Phép lạ của sự tỉnh thức“ của Thầy do Lá Bối xuất bản. Cuốn sách đã đánh động tôi rất nhiều, thậm chí tôi đã chép tay ra toàn bộ cuốn sách để cho dễ thấm hơn. Khi đó tôi chưa biết là cuộc đời mình sẽ thay đổi tới mức nào.
Khi gần kết thúc mùa hè năm 1982, tôi định dành vài ngày phép còn lại của mình để trở về Làng. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt đầu thực tập thiền với cuốn sách quý báu của mình mặc dù chưa hiểu gì nhiều. Tôi tập rửa bát, tập ngồi, tập đi. Tôi cũng nhận ra được rằng thời gian làm việc luôn luôn là “thời gian của tôi“ mà không phải là thời gian “mất đi“ ví dụ như khi mình làm một việc không thú vị gì mấy.
Tôi quen với Bá Thư ở Lyon, tại Hội Ái Hữu Sinh Viện Việt Nam qua sự giới thiệu của một anh bạn khác là Hoàng. Tôi gặp Hoàng lần đầu tiên ở Metz trong khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hoàng cũng đi nghĩa vụ quân sự vì anh ấy có quốc tịch Pháp. Tôi còn nhớ rất rõ cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa tôi và Hoàng.
Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1977 khi tôi đã đến trại được 6 tháng. Đầu năm 1977 có một toán những người mới đến. Hoàng ở trong nhóm những người được “kêu gọi đầu quân“ trong một năm. Khi gặp nhau Hoàng đi tới chào tôi một cách rất tự nhiên, và tôi cũng cảm thấy gần gũi như quen biết nhau từ lâu, giống như hai anh em sinh đôi gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. Tôi rất vui có được một người bạn như Hoàng. Chúng tôi thấu hiểu nhau và trở thành một đôi bạn thân không thể tách rời nhau. Sau này tôi mới biết thêm rằng chúng tôi cũng có chung một niềm đau nỗi khổ thật sâu. Sau khi thời hạn nghĩa vụ quân sự chấm dứt tôi xuất ngũ để trở về đời sống dân sự.
Hơn sáu tháng, một hôm có tiếng điện thoại reo, mẹ tôi nhấc lên nghe và gọi tôi:“Jean Pierre, có anh bạn Việt nam của con nè!“ Đó là Hoàng. Trước tiên anh ta cất giọng trách cứ:“Bộ quên người anh già này rồi hả?“ Rồi anh ta mời tôi về chơi nhà bố mẹ anh ở Vaulx-en-Velin gần Lyon.
Gia đình Hoàng tiếp đón tôi như con cái trong nhà. Tôi đã ở đó trọn một tuần lễ và đã học cách ăn cơm bằng đũa. Tôi còn nhớ ba của Hoàng đã món gà nấu ớt cho bữa cơm chào đón tôi ngày đầu tiên. Ông đã phải đóng hết tất cả các cửa để ớt không bay ra trong không khí. Nhưngchúng tôi cũng bị ho sặc sụa vì mùi ớt.
Sau đó tôi thường xuyên trở lại Lyon để thăm Hoàng. Hoàng đã giới thiệu tôi vào Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam họp mặt mỗi tuần ở l’INSA Lyon. Tôi đã được tiếp đón như một người bạn. Khi đó tôi hoàn toàn không hiểu gì về người Việt nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi ở chung với họ. Tôi chỉ cần có mặt ở đó, trong bầu không khí không hề quen thuộc đối với tôi, nhưng lạ lùng là tôi cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Từ từ tôi bắt đầu tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng của hội. Hoàng không bao giờ quên mời tôi tham dự những buổi lễ hay những buổi biểu diễn văn hóa được tổ chức để giúp cho thuyền nhân tị nạn. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình là một người có ích. Tôi lấy xe chở hành lý, chở thực phẩm hay chở người đến những trung tâm tiếp cư cho người tị nạn hoặc đưa họ tới những nơi mà họ cần phải tới. Tôi rất cảm động khi thấy có những người đã mất hết tất cả, trong tình trạng sức khỏe bấp bênh và vừa trải qua những điều kiện khắc nghiệt trên thuyền trong nhiều tuần mà vẫn còn tràn đầy niềm vui và sức sống. Có một anh bạn tên Hoa đã lênh đênh trên thuyền trong suốt 18 tuần lễ. trong suốt thời gian trên thuyền hầu như anh chỉ đứng vì thuyền có quá đông người tị nạn.
Bá Thư đề nghị tôi đến thăm Làng Hồng, anh cho biết có một thiền sư người Việt Nam đang sống ở đó. Tôi chấp nhận ngay đề nghị của anh, nghĩ rằng tới đó tôi sẽ gặp một “thiền sư già“, giống như trong những phim kiếm hiệp Trung Hoa mà chúng tôi đã từng xem với nhau. Ông thiền sư với bộ râu trắng dài và dĩ nhiên là ở cái cái tuổi đáng kính. Nhưng khi đến Làng tôi đã không gặp được một “thiền sư già“ với bộ râu bạc.
Tôi đã gặp Thầy ngay ngày thứ nhất của tôi ở Làng. Hơn chục người chúng tôi ngồi trong một cái vựa cũ, bây giờ là nhà ăn của Xóm Hạ, trên những chiếc băng dài xấp theo hình vòng cung trước cái bảng dùng để giảng bài. Trước bảng có một người dùng hình vẽ để giảng giải. Ông ấy mặc một bộ đồ giản dị, gồm áo vạt hò và quần dài. Tuy không hiểu gì hết những gì ông nói nhưng tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ chắc ông ấy là thiền sư của Làng. Nhưng bỗng nhiên có một người, cũng ăn mặc giản dị, đứng lên từ chiếc băng khác, ngắt lời ngưòi đang nói một cách thẳng thắn. Ông đến trước bảng và điều chỉnh lại những mô hình mà người trước đã vẽ. Thật rõ ràng, đây chính là thiền sư mà Bá Thư đã nói với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thầy, một người tươi mát, dịu dàng, đồng thời cũng thẳng thắn, với một uy lực thật tự nhiên và đầy từ bi.
Ngày thứ hai của tôi ở Làng cũng đầy ấn tượng. Khi đó các em nhỏ tụ họp lại dưới hai cây sồi lớn ở Xóm Hạ để tập hát những bái hát bằng tiếng Việt. Những chiếc băng dài được xếp theo vòng tròn. Tôi giữ khoảng cách và có hơi nhút nhát. Không có người nào của Hội Ái Hữu Sinh Viên có mặt, và tôi không quen ai ở đó cả. Trong khi các em đang hát thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có hai bàn tay đặt lên vai tôi và đẩy nhẹ tôi về phía các em. Tôi nghe một giọng nói mời tôi tới cùng hát với các em:“Jean Pierre, anh ngồi xuống với các em và tập hát bằng tiếng Việt đi!“ Đó chính là Thầy, Thầy đã đến sau lưng tôi hồi nào mà tôi không hay.
Một hôm khác Thầy gọi tôi tới ngồi gần bên Thầy, đối diện với những cây mận. Thầy giới thiệu Làng với tôi, nói cho tôi biết cách sống ở Làng như thế nào, kể cho tôi nghe những ý tưởng của Thầy về tương lai của Làng, làm sao để vừa trồng cây mận vừa bảo vệ được sự sống…Và sau cùng Thầy hỏi tôi:“Anh nghĩ gì về Làng của chúng tôi?“. Lạ thay, một người nhút nhát như tôi lại trả lời thầy một cách rất tự nhiên:“Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người đến đây vì người ta rất cần một nơi như thế này!“ Tôi ngạc nhiên khi mình nói được như thế, có thể vì tôi cảm thấy thoải mái an tâm ở bên Thầy.
Tôi theo người Việt tới Làng, nhưng cuối cùng tôi cũng có nhu cầu được thực tập chánh niệm. Điều này với tôi rất quan trọng. Sự thực tập thấm vào tôi từ từ, tôi thích đi dạo trên những cánh đồng, đi trong rừng hay đi qua những vườn nho.
Một hôm thấy những giáo lý quá nặng nề đối với tôi, Thầy nói:“Jean Pierre, anh không cần phải biết kinh điển hay học thuộc những từ ngữ Phật giáo khó khăn. Anh chỉ cần sống trong Làng với chúng tôi là được rồi.“ Những lời nói đó làm cho tôi rất xúc động.
Tôi cũng xin mượn lá thư này để trả lời một câu hỏi mà tôi hay thường nghe là:“Tại sao lúc nào anh Jean Pierre cũng có mặt trong cái đám người Việt vậy?“ Lúc đầu thì tôi cười nói:“Tại sao không?“ Tôi tiếp xúc lần đầu với người Việt Nam thời còn chiến tranh trước năm 1975 qua những tin tức trên truyền hình. Lúc đó tôi còn là một thiếu niên, trong giờ tin tức buổi chiều tôi thấy gương mặt của một phụ nữ việt nam, gương mặt hằn sâu đau khổ vì các con mình đã chết trong bom đạn và một bé gái trần truồng, thân hình cháy xém, chạy trên con đường đất giữa đồng ruộng. Trái tim tôi vỡ vụn và nước mắt tôi trào ra. Tôi hiểu ra rằng, dù thời thơ ấu của tôi có nhiều khó khăn, nhưng không chỉ riêng mình tôi có khổ đau mà bất kỳ ai trên đời này đều có thể có niềm đau nỗi khổ. Tôi cảm thấy gần gũi với những người mà tôi chưa hề quen biết.
Sau này, nhờ Hoàng tôi biết được trách nhiệm của đất nước tôi thế nào trong việc tạo ra những bi kịch đó và tôi cảm thấy chính mình cũng có trách nhiệm một phần nào. Sâu tận trong đáy lòng tôi nghĩ mình phải có mặt cho những người Việt, tại vì nếu tôi bị mất một đứa con hay bị tách ra khỏi gia đình thì tôi cũng sẽ đau khổ y như những người đó. Trong tâm tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bù đắp lại lỗi lầm do đất nước mình gây ra.
1983 – Thầy và Làng đi vào cuộc đời tôi
Thời gian đầu tiếp xúc với Thầy và Làng (trong khoảng 12 năm) không thay đổi được tận gốc lối sống của tôi. Tôi vẫn tiếp tục sống một cách đơn độc, khép kín và trốn tránh đối diện với chính mình. Ở đây tôi muốn nói tới sự đối diện với những nỗi khổ niềm đau trong tôi. Tôi sống với khổ đau trong lòng và lẩn tránh những người khác càng nhiều càng tốt.
Hồi đó cộng đồng tu học, chỉ gồm có những người bạn Việt, đã chăm sóc tôi. Mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chúc một ngày quán niệm. Dù rất bị đánh động bởi cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức“ tôi vẫn không thoát ra khỏi sự cô đơn, tôi chỉ đến Làng vì những người bạn rủ tôi đi để cùng sinh hoạt hay thực tập chung với nhau. Cuối cùng thì thiền tập chỉ là một yếu tố nữa để gắn liền tôi với cộng đồng người Việt (có thể đó chỉ là một yếu tố phụ thôi). Điều đó không quan trọng đối với tôi. Điều quan trọng là tôi có được những giờ phút vui vẻ, cởi mở, cùng hát, cùng đùa chơi hay cùng đi nhặt hạt dẻ trong rừng Fontainebleau, cùng rong chơi…sống không lo nghĩ! Những giây phút đó giúp tôi quên đi nỗi lo sợ mà tôi không chia sẻ được với ai, kể cả Thầy, người mà tôi rất kính mến, người mà tôi biết là sẽ lắng nghe tôi. Tôi không muốn mình tỏ ra đáng thương. Hơn nữa tôi nhút nhát, tôi nghĩ Thầy là một người “lớn“ còn tôi chỉ là một người“nhỏ bé“, tôi không thể làm phiền Thầy vì những vấn đề riêng tư của mình.
Cùng với Thầy và cộng đồng người Việt, tôi sống những giây phút hạnh phúc trong những buổi chia sẻ, những buổi thực tập chánh niệm hoặc những buổi sinh hoạt gia đình quanh cái bàn đầy thức ăn chay ngon lành hay quanh một bình trà nóng. Từ từ một gia đình được dựng lên chung quanh tôi. Gia đình đó nhận nuôi tôi như một người con, điều này rất mới lạ với tôi vì tôi bị tách ra khỏi gia đình huyết thống lúc 6 tuổi và đưọc nhận nuôi bởi một gia đình xa lạ. Tôi biết được thế nào là bạo động, sự sợ hãi và vất vả của công việc trong một nông trại, chưa kể tới nềm đau của sự chia cắt.
Một sự thay đổi lớn đã ảnh hưởng tới cuộc đời tôi: tôi gia nhập vào một gia đình tâm linh, nơi đã nuôi dưỡng và che chở tôi bằng tình bạn và lòng ưu ái. Và đồng thời tôi cũng được nhận vào một gia đình mới, gia đình Việt Nam. Tôi bị rúng động, tôi không biết phải làm gì và hành xử như thế nào. Tôi nói đùa rất nhiều và cười vui một cách dễ dàng để che dấu cảm xúc và nước mắt của mình. Trái tim đầy những vết sẹo của tôi không cho phép tôi nói đến điều đó. Nhưng chắc chắn điều quan trọng nhất là tôi giữ liên lạc với hai gia đình mới đó, tôi biết như vậy.
Sự thực tập chánh niệm đi tôi vào thật nhẹ nhàng
Về phương diện tu tập, mặc dù đã trải qua vài năm, nhưng khoảng cách giữa đời sống cô độc và khoảng thời gian ở chung với cộng đồng của tôi tại Fontvannes (Phương Vân Am) hay Thiền Đường Hoa Quỳnh vẫn còn rất lớn. Cả sau khi thọ 14 giới Tiếp Hiện vào năm 1986 thì sự thực tập chánh niệm và quán chiếu nhìn sâu mới từ từ đi vào đời sống hàng ngày của tôi, giúp cho tôi có được một vài chuyển hóa mà tôi cũng không nhận ra được. Nhưng khi có vấn đề xảy ra như lúc mẹ tôi mất thì sự chuyện hóa đó mới biểu hiện ra. Tôi trông nom mấy đứa cháu trai và cháu gái giúp cho chị tôi vì chị hầu như hoàn toàn mất hết lý trí. Tôi đã hướng dẫn một buổi thiền hành, tôi làm một cách thật tự nhiên, không có cố gắng gì cả. Buổi thiền hành điễn ra rất tốt đẹp. Trong lúc dừng lại nghỉ ngơi, tôi có chia sẻ là mẹ của chúng tôi không bao giờ thật sự mất đi đâu hết. Nếu nhớ mẹ thì chúng tôi có thể gặp lại mẹ một cách dễ dàng khi nhìn sâu vào bàn tay của mình, khi đi thật bình an, lắng nghe thiên nhiên, cây cỏ, chim chóc hay giản dị là khi mình có mặt thật sự cho mình trong giây phút đó. Tôi đã chia sẻ như vậy và hướng dẫn thiền hành lần đầu tiên vào tháng bảy năm 1990.
Và nhiều lần tôi được giữ chuông trong những buổi thiền tập, trong những buổi lễ tụng 14 giới Tiếp Hiện, lúc tụng Bát Nhã tâm kinh hay lúc hướng dẫn ngồi thiền cho các bạn thiền sinh. Tất cả đều bằng tiếng Việt. Người ta có lòng tin ở tôi hơn cả chính tôi.
Cũng có khi những người không hề thực tập thiền Phật giáo nhận xét về tôi như thế này:“Jean Pierre, cái nhìn của anh đã khác hơn trước, nó dịu dàng hơn!“, hoặc lúc tôi làm việc ở nông trại trong mùa hè:“Anh đã thay đổi, anh làm việc chậm hơn, chăm chú hơn mà không bị mệt!“(tôi nhớ lúc đó mình đã làm việc trong chánh niệm). Có một lần tôi đi thiền tới tiệm bán bánh mì trong làng nơi tôi lớn lên thì ông bán bánh mì nói với tôi:“ Ông có vẻ thật bình an!“. Có những sự kiện nhỏ nhặt như vậy xảy ra trong suốt những tháng năm, có những bất ngờ bé bé thú vị, những bông hoa nở thật đẹp trên con đường đầy đá sỏi. Điều này không làm cho tôi hãnh diện một cách đặc biệt nhưng lại khuyến khích tôi thêm trong sự thực tập.
Tiếp xúc với em bé trong tôi
Lúc mới bắt đầu thực tập ở Xóm Hạ tôi không biết là trong tôi có niềm đau nỗi khổ. Hơn nữa tôi không đến Làng vì có khổ đau. Tôi chưa biết nhận diện sự mặt của khổ đau trong tôi. Tôi không biết trong tôi có một em bé đang đau khổ, em bé còn mang tất cả những vết thương sâu của quá khứ.
Trong sách ”Phép lạ của sự tỉnh thức” có một chương với tựa đề: Thiền làm sáng tỏ và trị liệu. Tôi đã để rất nhiều thì giờ để tìm hiểu tựa đề đó, vì qua nhiều năm thực tập khổ đau của tôi ngày càng hiện rõ nhưng nó vẫn không được chữa trị. Thầy của chúng tôi dạy rằng thiền tập không làm cho mình khổ, mà trái lại. Tôi còn nhớ có một lần đến Làng tôi ho nhiều lắm. Lồng ngực của tôi đau nhức từ hơn một tháng rồi. Qua hình chụp quang tuyến tôi biết là mình không có bệnh gì cả nhưng tôi rất đau. Cô Phượng đưa Thầy đến gặp tôi. Thầy nói với tôi chỉ giản dị như này:”Jean Pierre, thiền không làm mình đau, thở không làm mình đau. Anh đừng quá cứng ngắt trong sự thực tập…”Sáng hôm sau tôi hết ho và ngực tôi không còn đau nữa. Đây là nói về sự đau nhức của thân. Đó là thời gian mà tôi nghĩ rằng thực tập thiền cũng như là tập võ thuật vậy, nó giúp cho mình mạnh khỏe hơn…một sự thực tập sai lạc. Về phương diện tâm, thì khổ đau của tôi chỉ dường như có chút chuyển hóa thôi. Tôi biết là nếu với mức độ đó thì sự thực tập của mình không đúng chút nào, dù là tôi đã biết học nhận diện và ôm ấp em bé 5 tuổi của ngày xưa trong tôi.
Sau khi kết hôn thì tôi bắt đầu xa Làng trong một thời gian khá lâu, ngoài trừ tôi có đến thăm Thiền Đường Hoa Quỳnh vài lần và một lần tôi đưa gia đình nhỏ của mình về Xóm Mới. Vợ tôi không có cùng ý muốn thực tập hay thích về Làng như tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã không biết cách làm cho vợ mình có ý thích đó, bởi chính tôi, tôi cũng có nhiều do dự và không dứt khoát. Cách thức hành xử của một người chồng và một người cha không được dạy trong trường học và tôi đã phạm rất nhiều lỗi lầm. Từ từ tôi thấy biểu hiện ra sự giận dữ mà tôi đã được nuôi trong đó từ lúc nhỏ. Nó mạnh như núi lửa…sự giận dữ lớn dần lên trong tâm, tiếng la hét nổ ra, chúng tôi đi tới tình trạng rất khó khăn và chia tay.
Lúc đó Thầy thường ở bên cạnh bên tôi ban đêm, nhưng tôi không hiểu ra sự có mặt của Thầy. Tôi chỉ cảm thấy một sự thiếu vắng giống như lúc tôi rời xa mẹ tôi ngày xưa. Và một lần nữa tôi lại trốn chạy trước thực tế của một đời sống gia đình. Tôi không thấy được là tôi đã có quá đủ những gì cần thiết để sống hạnh phúc. Tôi bị kẹt vào nỗi khổ niềm đau của thời thơ ấu, của cảm giác mình là một nạn nhân…
Nhiều lần tôi đã trở về miền quê đó, nơi tôi đã lớn lên. Tôi cảm thấy mình thật bất hạnh, tôi muốn thấu hiểu và làm dịu đi niềm đau đó. Tôi đi bộ rất nhiều trong rừng, trên những cánh đồng, những bãi cỏ, những nơi mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi không nhận được ra là mình đang thực tập thiền hành. Điều này xảy ra rất rõ vào một buổi sáng sớm lúc 7 giờ khi tôi nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng trong sương mù. Tự nhiên tôi dừng lại và trở về với hơi thở, với hình hài của mình. Thật là một sự tái sinh, sự thực tập của tôi không “mất” đi đâu hết. Tôi thấy được khổ đau tôi đã gây ra cho chính mình và cho gia đình. Tôi không thể nào làm như vậy được, đem bạo động trong mình đổ lên người khác. Tôi gánh phần lớn trách nhiệm trong việc tạo ra tình trạng đó cho gia đình mình, cho sự kiệt quệ và sự phóng thể của mình. Tôi đã đánh mất gia đình của tôi. Nhưng một mình cô đơn không có gia đình thì sẽ ra sao?
Chỉ cần đi, đi một cách bất bạo động thì sẽ có bình an! Đó là thiền! Chăm sóc hình hài của mình, hơi thở của mình. Chú ý, chỉ chú ý tới cái gì đang xảy ra…Ngày hôm đó tôi tìm lại được tăng thân, gia đình tâm linh của tôi dưới hình thái của cỏ cây, đất đá và những con thú nhỏ như chú sóc thường hay đến cười với tôi quanh cây sồi lớn.
Tôi tiếp tục thực tập thiền hành trên những con đường trong rừng. Tôi hái nấm dại về tự nấu ăn. Tôi lượm hạt dẻ và hạt hồ đào. Và chủ yếu là tôi được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì đẹp đẽ và tươi mát. Tôi thấy rất rõ hạnh phúc mình đã có được ngay cả trong khổ đau của thời thơ ấu. Tôi thấy rất rõ khổ đau và yếu kém của nguời đã gây ra khổ đau cho tôi. Và tôi bắt đầu thương người đó thật sự.
Tôi thấy tôi là đứa bé 6 tuổi của thời đó. Trên một con đường rừng đầy ánh sáng đứa bé đã đến nắm tay tôi, nét mặt tươi cười và bước đi cùng với tôi. Thân tôi trở nên nhẹ bỗng, chân tôi như đặt trên mây, tôi cảm thấy gương mặt mình hoàn toàn thư giãn và êm dịu, một cảm giác thật bình an. Và tôi thấy cây cỏ, đất đá, thú vật, đất với trời trở thành một, trong một khoảng khắc không còn sự cách biệt nào cả. Chỉ còn lại một làn gió nhẹ giống như cái cảm giác được giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ đau. Khổ đau chuyển hóa hoàn toàn, nhường chỗ cho tình thương vô tận. Vài bước chân, vài hơi thở và tôi trở về nhà, lòng đầy bình an. Tâm tôi trống rỗng và tôi gởi sự bình an tới cho người đó.
Tôi không có lời nào để diễn tả được trạng thái đó, tôi chỉ có những bài thơ và đặc biệt là bài thơ tôi làm lúc nhận truyền đăng:
“Tôi đặt tay lên chiếc ngực trơ xương, người đó nằm trên giường hấp hối,
Tôi ôm người đó trong tay, rồi chúng tôi cùng khóc.
Tôi thương người đó, người đã in dấu sắt nung đỏ trên thân tâm tôi.
Tình thương bất tận thấm vào trái tim, tháo tung xiềng xích của vô minh.
Những hạt giống tốt đẹp đã nẩy mầm trên tro tàn tham dục.
Không có gì cần chuyển động, chỉ vài bước chân đã đủ giẫm vào cửa Tự Do.
«Sur ton lit d’agonisant, mes mains sur ta poitrine décharnée,
Je t’ai pris dans mes bras, puis ensemble, nous avons pleuré
Et je t’ai aimé, oh toi qui as marqué mon corps et mon esprit au fer rouge.
L’amour infini pénètre les cœurs, brise les chaînes de l’ignorance,
Sur les cendres du désir et de l’avidité, germent les graines de la bienveillance.
Quelques pas ont alors suffi pour toucher à la Liberté, sans que rien ne bouge.
Năm 1999 người mà tôi cùng sống chung lúc nhỏ qua đời. Tôi đã đến thăm lúc ông hấp hối. Ông chỉ còn da bọc xương và thở những hơi thở cuối cùng. Ông nhận ra tôi, không hận thù không giận dữ. Trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần tôi đến đặt tay lên ngực ông và cùng thở với ông. Sau đó tôi đi thiền hành ngoài đồng và khi trở về tôi im lặng đến bên ông và nói: ”Tôi đã đi cho ông…”. Chiều chủ nhật tôi trở về Paris. Ông ra đi một cách bình an trong đêm ngày thứ ba. Ông đã chờ tôi.
Để kết thúc
Cộng động người Việt đã đón nhận tôi như một người con, tôi rất biết ơn.
Hoàng, bạn của tôi, bây giờ đã mất. Anh chưa bao giờ tới Làng. Tôi rất nhớ anh.
Bá Thư, chính anh đã đưa tôi tới Làng, pháp tự của anh là Chân Trí. Tôi gặp lại anh tháng 6 năm 2016, sau hơn 20 năm. Anh cùng với sư cô Định Nghiêm cho pháp thoại vào tháng 6 năm 2016. Bá Thư là người anh lớn của tôi trong đạo.
Tôi còn nhớ vài người bạn như Minh, Hải, Hoa, Vinh, Tuyết, Thái…và còn những bạn khác mà tôi quên tên.
Ba mẹ và anh chị em của Hoàng.
Tôi tâm niệm: ”Chúng ta không thể xây dựng hòa bình bằng phương tiện chiến tranh!”.
Và để có một đời sống gia đình êm ấm tôi thực tập Bốn câu thần chú.
Với tất cả lòng biết ơn
Jean Pierre – Chân Linh Từ (Compassion Sacrée Authentique)