Thu dạ độc tọa – Ngồi một mình trong đêm thu – Vương Duy và tuệ giác vô sinh

Thu dạ độc tọa  –   Vương Duy

Độc tọa bi song mấn                                          
Không đường dục nhị canh                              
Vũ trung sơn quả lạc                                        
Đăng hạ thảo trùng minh                                 
Bạch phát chung nan biến                                 
Hoàng kim bất khả thành                                  
Dục tri trừ lão bệnh                                          
Duy hữu học vô sinh 

Ngồi một mình trong đêm thu – Vương Duy

Một mình ngồi tóc mai buồn

Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang

Trong mưa rơi rụng trái rừng

 Dưới đèn nghe tiếng côn trùng nỉ non

Tóc xanh rồi bạc lẽ thường

Thời vàng son ấy có còn gì đâu

Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già

Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh

Đọc bài thơ “Thu dạ độc tọa” (Ngồi một mình trong đêm thu) của Vương Duy, bỗng nhiên thấy cảm thán nên viết vài lời tâm tình chia sẻ với các bạn. Tôi tạm dịch bài thơ theo cái hiểu còn rất hạn hẹp của mình. Bài thơ dịch còn nhiều thiếu sót xin các bạn hoan hỷ bỏ qua cho.

Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và nhà thư pháp nổi tiếng thời Thịnh Đường. Ông là người thông hiểu Phật pháp nên thơ của ông thấm đượm mùi Thiền. Bài thơ”Thu dạ độc tọa” không phải là bài thơ nổi tiếng nhất của Vương Duy nhưng nó chứa đựng tuệ giác vô thường, cái ý thức muốn vượt thoát sinh-lão-bệnh-tử thì chỉ có con đường duy nhất là thực tập để đạt tới cái thấy vô sinh tức cái thấy”vô sinh bất diệt – không có không không” của đạo Bụt. Đó là mục đích tối hậu của người tu tập.

Một mình ngồi tóc mai buồn

Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang

Độc là một mình, tọa là ngồi, song mấn là hai bên tóc mai.

Đây là hình ảnh của một người tuổi đã xế chiều. Ngồi một mình và nhận ra rằng, hai bên tóc mai của mình đã bắt đầu phai màu.

Với cái tuổi đời chồng chất, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, mình ngồi lại một mình và bỗng nhận ra hai bên tóc mai đã bạc. Cảm thấy một chút thê lương? Giờ phút này mình mới được ngồi yên mà nhìn lại mình cho rõ, cái giờ phút này thật quý báu mà có người cho đến hết cuộc đời cũng không bao gờ có được.

Nhị canh là canh hai. Mỗi canh có hai giờ đồng hồ. Canh một bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ tuất. Canh hai bắt đầu từ 21 giờ đến 23 giờ tức giờ hợi. Không đường là không gian trong phòng.

Không đường dục nhị canh là tiếng trống báo canh hai vọng đến gian phòng. Ngày xưa người ta hay dùng tiếng trống để báo sang canh.

Chúng ta có thể hiểu, Vương Duy là một người thực tập Thiền và có thể ông đang thực tập Mười sáu phép quán niệm hơi thở. Vào lúc khoảng chín giờ tối, Vương Duy ngồi yên một mình trong thiền phòng và thở. Tiếng trống báo canh hai có thể được xem là tiếng chuông gia trì giúp ông đem tâm trở về với thân. Ngồi yên và thở. Đây là hơi thở giúp mình nhận diện, làm lắng dịu hình hài và cảm thọ. Ông ý thức hai bên tóc mai của mình đã bạc và nhận ra cái cảm thọ buồn man mát (bi song mấn).

Vũ trung là trong mưa. Sơn quả là trái rừng. Lạc là rơi xuống. Sơn quả lạc có nghĩa là trái rừng rụng xuống.

Đăng hạ là dưới đèn. Thảo trùng là côn trùng. Minh là kêu. Thảo trùng minh có nghĩa là côn trùng kêu, ở đây chúng ta dịch là côn trùng nỉ non.

Vuơng Duy ngồi yên và có mặt trong giây phút hiện tại. Ông ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh mình. Bây giờ là mùa thu, bên ngoài mưa nhẹ ra rít nên nghe được tiếng trái rừng chín rơi rụng trong mưa. Trong thiền phòng, thiền giả ngồi yên dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng đang nỉ non. Chúng ta có thể hiểu Vương Duy đang ngồi thiền trong một gian nhà đơn sơ giữa rừng. Ông chọn một khung cảnh thiên nhiên, vắng vẻ và u mặc để ngồi thiền tối. Có phải lúc đó người ngồi trong thiền phòng, tiếng mưa, tiếng trái rừng rơi rụng xuống đất và tiếng côn trùng đã trở thành một? Cái biên giới giữa người ngồi thiền và không gian trong đó có người đang ngồi thiền không còn nữa.

Bạch phát là tóc bạc. Chung nan biến là không thể thay đổi. Hoàng kim có nghĩa là vàng bạc, cũng có thể hiểu là thời vàng son, hưng thịnh. Bất khả thành là không thể có được, không nắm bắt được.

Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già

Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh

Dục tri là muốn biết được. Trừ lão bệnh là thoát khỏi bệnh hoạn và cái già.

Duy hữu học vô sinh có nghĩa là chỉ có được khi có tuệ giác vô sinh.

Muốn thoát khỏi sự già nua, bệnh tật thì chỉ có một phương pháp là chứng được tuệ giác vô sinh. Vô sinh có nghĩa là vô sinh bất diệt, là cái thấy vượt thoát sinh và diệt, có và không, tới và đi, còn và mất.

Đây là sự chứng ngộ. Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ và thiền giả. Thấy được sự thay đổi của chính bản thân mình và của sự vật chung quanh mình, ông nhận ra rằng các pháp đều không thật sự có, chúng không có tự tánh. Nó chỉ là những biểu hiện do duyên sinh, đủ duyên thì hợp, không đủ duyên thì tan.

Trong một bài thơ ngũ ngôn bát cú Vương Duy vẽ ra cho chúng ta bức tranh tuyệt đẹp của một thiền giả ngồi tọa thiền trong một gian nhà vào đêm tối. Trong thiền phòng vọng đến tiếng trống báo canh hai và đó cũng là tiếng chuông chánh niệm đưa tâm trở về với thân. Những hình ảnh rất thi ca hòa lẫn với những âm thanh của thiên nhiên làm tăng thêm tính chất thiền vị của bài thơ. Ngoài kia đang mưa, tiếng mưa lẫn với tiếng trái rừng rơi xuống đất. Trong gian nhà, người ngồi dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng nỉ non. Thật là một khung cảnh êm đềm và bình an của một buổi ngồi thiền. Phải thật sự có mặt mới có thể sống và và cảm nhận được cái giây phút mầu nhiệm này.

Thiền giả ngồi yên, thân tâm lắng dịu, ý thức rõ ràng tóc mình đã bạc. Tóc đã bạc thì không thể trở lại xanh như trước. Tiền tài, danh vọng, giàu sang cũng không giúp cho mình thoát được già yếu, bệnh tật. Mình cũng không nắm bắt được cái thời vàng son ấy (Hoàng kim bất khả thành). Ông ngộ ra rằng muốn vượt thoát già yếu, bệnh tật thì chỉ có con đường thực tập để có được tuệ giác vô sinh.

Vương Duy đã thực tập và đã thấy được nhờ thiền quán. Chúng ta cũng là những người thực tập, chúng ta đã tìm ra chưa? Không phải chỉ những người tuổi hạc đã cao mà tôi nghĩ những người trẻ cũng đã từng có mối ưu tư đó, vì cái lẽ vô thường là chung cho tất cả sự vật. Làm sao thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử? Các bạn có khi nào suy tư đến vấn đề này không?

Tôi chợt nhớ tới một bài thơ của thiền sư Nhất Hạnh, là một bài thơ nhưng viết theo thể văn xuôi, có tựa là Tái sinh. Bài thơ trình bày tuệ giác vô sinh sâu sắc nhưng mang màu sắc nhẹ nhàng của thi ca:

CGL