Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh

Tình Thầy

(Thiền sư, thơ: Nhất Hạnh)

Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh là vị tổ sư đã sáng lập ra Dòng Tu Tiếp Hiện. Những học trò thực tập theo Mười Bốn Giới Tiếp Hiện, thường gọi thầy của mình bằng một tiếng thân thương là “Thầy“.
Sau đây là sơ lược tóm tắt tiểu sử của Thầy:

  • Thầy sinh ngày 11.10.1926 tại Huế, cha tên Nguyễn Đình Phúc làm quan võ trong chính phủ Nam triều thời Pháp thuộc, mẹ tên Trần Thị Dĩ người huyện Gio Linh Quảng Trị. Lúc nhỏ Thầy có tên là Bé Em, đến bốn tuổi đi học mới có tên Nguyễn Đình Lang.
  • Năm 16 tuổi Thầy xuất gia làm đệ tử của hòa thượng Thanh Quý Chân Thật trụ trì chùa Từ Hiếu Huế và có tên là điệu Sung.
  • Năm 1945, Thầy thọ giới sa di với pháp danh Trừng Quang và pháp tự Phùng Xuân.
  • Năm 1946, Thầy theo học tại Phật học đường Báo Quốc của thầy Trí Thủ, thành lập tờ nội san Hoa Sen, tạp chí Tiếng Sóng.
  • Năm 1949, Thầy rời Phật học đường Báo Quốc vào Sài Gòn lúc 23 tuổi, lấy tên Nhất Hạnh, dạy học tại Phật học đường Ứng Quang, theo học chương trình trung học phổ thông tại một trường tư thục ở Tân Định.
  • Năm 1950 Thầy dạy học tại chùa Linh Sơn Đà Lạt
  • Thầy thọ giới lớn vào tháng 10 năm 1951 trong Đại giới đàn Ấn Quang với thầy Đôn Hậu, làm chủ bút tạp chí Liên Hoa.
  • Thầy thành lập trường trung học tư thục Tuệ Quang tại Đà Lạt cùng thầy Thiện Tấn.
  • Năm 1954, Thầy ghi danh theo học chương trình cử nhân văn chương Pháp và Việt của đại học Văn khoa Sài Gòn với tên Nguyễn Xuân Bảo, xuất bản tập san Sen hái đầu mùa.
  • Năm 1956, mẹ mất, sức khỏe suy yếu trầm trọng nên Thầy về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng ở chùa Phước Huệ Bảo lộc.
  • Năm 1957, Thầy mua được 26 mẫu đất giữa rừng Đại Lão cách chùa Phước Huệ khoảng 10 cây số và xây dựng Phương Bối Am, làm chủ bút tờ Phật giáo Việt Nam.
  • Năm 1958, sức khỏe của Thầy lại suy giảm đến mức nguy kịch. Thầy đã thực tập thiền đi, sử dụng bước chân và hơi thở để vượt qua những khó khăn và đã sống sót.
  • Năm 1961, Thầy được chương trình Fulbright Fellowship cấp học bổng sang Hoa Kỳ học ngành Tôn giáo tỉ giáo tại chủng viện thần học của Princeton tiểu bang New Jersey và chứng nghiệm được tuệ giác hiện pháp lạc trú.
  • Mùa hè năm 1962 Thầy viết đoản văn Bông hồng cài áo làm nguồn cảm hứng cho lễ Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan sau này.
  • Năm 1963, Phật giáo tại Việt Nam bị đàn áp nặng nề, thầy Thích Quảng Đức tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn. Thầy kêu gọi, vận động các nước tại Liên Hiệp Quốc gửi người về Việt Nam điều tra tình trạng vi phạm nhân quyền.
  • Ngày 22.01.1964 Thầy bay về Sài Gòn theo thư kêu gọi của thầy Trí Quang. Tháng 03.1964 Thầy thành lập Viện Cao đẳng Phật học và mời thầy Trí Thủ làm viện trưởng. Viện mượn tạm chùa Xá Lợi làm lớp học và chùa Pháp Hội làm trụ sở chính. Sau này Viện Cao đẳng Phật học trở thành Viện đại học Vạn Hạnh. Cùng năm Thầy cũng thành lập nhà xuất bản Lá Bối, làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm.
  • Tháng 6 năm 1965 Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do Thầy sáng lập chính thức khai giảng tại chùa Từ Nghiêm. Thầy Thanh Văn làm giám đốc điều hành.
  • Tháng 2 năm 1966 Thầy làm lễ truyền giới Tiếp Hiện cho sáu thành viên đầu tiên.
  • Ngày 01.05.1966 Thầy được thầy của mình là thầy Thanh Quý truyền đăng.
  • Ngày 11.05.1966 Thầy sang Hoa Kỳ giảng dạy về Phật giáo Việt Nam tại đại học Cornell theo lời mời của tiến sĩ George Mc Turnan Kahin và bắt đầu chuyến du thuyết vận động hòa bình cho Việt Nam.
  • Ngày 28.05.1966 Thầy gặp cha Thomas Merton tại tu viện Gethsemani, tiểu bang Kentucky.
  • Ngày 31.05.1966 Thầy gặp mục sư Martin Luther King Jr. lần đầu tiên tại Chicago.
  • Ngày 25.01.1967 Thầy được mục sư King đề cử giải Nobel Hòa Bình.
  • Tháng 05 năm 1967 Thầy gặp mục sư King lần thứ hai tại Geneva cùng thảo luận về hướng đi xây dựng“cộng đồng yêu quý“.
  • Năm 1968 Thầy được đức tăng thống Thích Tịnh Khiết của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ủy nhiệm thành lập và hướng dẫn một phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại hội nghị Paris.
  • Năm 1971 Thầy bị chính quyền Việt Nam vô hiệu hóa hộ chiếu. Thầy trở về Pháp xin tị nạn.
  • Tháng 06 năm 1972 Thầy chủ trì hội nghị về môi trường có tên Đại Đồng, phổ biến cái thấy về sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất.
  • Thầy Thanh Văn mất vì tai nạn xe, Thầy trở về Phương Vân Am ở Fontvannes trong khu rừng Othe để được nuôi dưỡng và trị liệu.
  • Ngày 27.01.1973 hòa ước Paris được ký kết, Thầy cùng các Thầy Thiện Minh và Huyền Quang thay mặt GHPGVNTN đúng ra thành lập Uỷ Ban Tái thiết và Phát triển xã hội. Sau bảy năm hoạt động không có giấy phép Trường TNPSXH được Giáo hội công nhận và hợp thức hóa.
  • Năm 1973 Thầy xuất bản sách Việt Nam Phật giáo Sử Luận I dưới bút hiệu Nguyễn Lang.
  • Từ năm 1975 Thầy cùng các học trò và bạn bè gửi quà về yểm trợ cho giới học giả và văn nghệ sĩ ở Việt Nam.
  • Cuối tháng 11.1976 Thầy đang tham dự Hội nghị Tôn giáo và Hòa bình thế giới (WCRP) thì nhận được tin có thuyền nhân Việt Nam đang trôi dạt ngoài biển khơi đầy bão tố và hải tặc. Thầy vận động một số bạn bè và các hội đoàn thuê tàu đi vớt thuyền nhân và tìm cách giúp họ định cư ở một nước thứ ba.
  • Nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại được thanh lập trong thất Vách đá ở Phương Vân Am. Thầy viết cuốn Việt Nam Sử Luận II.
  • Ngày 29.11.1978 Thầy mua được Phương Khê (Sơn Cốc) ở miền Nam Pháp.
  • Năm 1981 Thầy bắt đầu truyền giới Tiếp Hiện trở lại tại Phương Khê.
  • Ngày 28.09.1982 Thầy mua một nông trại (Xóm Hạ) ở Loubès-Bernac, Dordogne miền Tây Nam nước Pháp, thành lập một trung tâm tu học có tên là Làng Hồng.
  • Năm sau thì mua thêm nông trại ở Thénac (Xóm thượng). Làng Hồng đổi tên thành Làng Mai.
  • Ngày 15.07.1983 Làng Mai mở khóa tu mùa hè đầu tiên.
  • NXB Lá Bối dời về Phương Khê, Thầy viết Việt Nam Sử Luận III.
  • Từ năm 1983 Thầy bắt đầu truyền giới và nhận đệ tử cư sĩ.
  • Ngày 17.11.1988 Thầy Bắt đầu nhận đệ tử xuất gia và làm lễ xuất gia cho ba đệ tử xuất gia đầu tiên là chị Cao Ngọc Phượng (sư cô Chân Không), chi Annabel Laity (sư cô Chân Đức) và chị Thanh Minh (sư cô Chân Vị).
  • Năm 1987, NXB Parallax ra đời.
  • Năm 1998 Thầy mở thêm tu viện Thanh Sơn tại Vermont Hoa Kỳ.
  • Năm 2000 Thầy lập tu viện Lộc Uyển ở California Hoa Kỳ.
  • Năm 2005 Thầy trở về quê hương cùng 200 đệ tử xuất gia và tại gia sau 39 năm sống ở nước ngoài.
  • Năm 2007 thầy về Việt Nam chủ trì ba Đại Trai đàn Chẩn tế Bình đẳng Giải oan.
  • Năm 2008 Thầy về Việt Nam tham dự lễ Vesak.
  • Tháng 09.2009 Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu được thành lập tại Waldbröl tiểu bang NRW nước Đức.
  • Ngày 17.09.2009 tu viện Bát Nhã tại Bảo Lộc bị giải tán. Tu viện Vườn Ươm được thành lập tại Pakchong Thái Lan.
  • Năm 2011 Viện Phật Học Ứng Dụng Á Châu được thành lập tại Hongkong.
  • Ngày 11.11.2014 Thầy bị tai biến mạch máu não trầm trọng. Sau khi hồi phục Thầy về tịnh dưỡng ở Làng Mai Pháp.
  • Năm 2016 Thầy bay về Thái Lan để có mặt cho các đệ tử trẻ.
  • Tháng 10 năm 2018 Thầy trở về sống những năm tháng cuối đời tại tổ đình Từ Hiếu, Huế.
  • Ngày 22.01.2022 Thầy viên tịch tại tổ đình, trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp.

(Tài liệu: Đi gặp mùa xuân)

Trên đây chỉ là tóm tắt tiểu sử của thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh được viết lại trong cuốn sách Đi gặp mùa Xuân. Muốn biết rõ chi tiết về sự nghiệp hoằng pháp vĩ đại của thiền sư ở khắp các nước trên thế giới xin các bạn tham khảo thêm sách Mỗi bước chân là thương yêu.