Archiv des Autors: Trang Bui

Đạo Phật và những phái Thiền ở Việt Nam

Đạo Phật ở Việt Nam đã có một lịch sử 18 thế kỷ. Phật giáo được truyền vào hai đường, một đường biển từ Ấn Độ sang và một đường bộ từ Trung Hoa sang. Đầu tiên Phật giáo được du nhập đồng thời với những thương gia Hoa và Ấn. Những tác phẩm về đạo Phật Việt Nam viết từ thế kỷ thứ 13 và 14 cho biết rằng, từ thế kỷ thứ 2 sau T.C đã có sự hiện diện của các vị tăng sĩ Phật giáo ngoại quốc tại đất Giao Châu (tên gọi miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ).

Bốn vị có tên là: Mahajivaha, Seng Houei, Kalyānaruci và Meou-tseu. Giao Châu lúc ấy cũng là trạm nghỉ chân của những tăng sĩ từ Ấn Độ qua Trung Hoa hoặc từ Trung Hoa qua Ấn Độ bằng đường biển.

Trong thời gian từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ16 sau T.C, trong dân gian lưu truyền hai học phái Phật giáo: một là phái A-Hàm (Agama) và hai là phái Thiền (Dhyāna). Dần dần phái Thiền trở nên quan trọng. Sau nầy có rất nhiều tông phái Thiền tông được lập ra ở Việt Nam.

Đầu tiên là phái Vinitaruci được thành lập vào thế kỷ thứ 6. Người thành lập là thiền sư Vinitaruci, người Ấn Độ. Thiền sư qua Trung Hoa và đến Trường An năm 574 dịch kinh Phạn ngữ ra Hoa Ngữ, đến năm 580 thì sang Việt Nam và thiết lập phái Thiền đầu tiên ở Việt Nam tại chùa Pháp Vân ở tỉnh Bắc Ninh bây giờ. Chùa Pháp Vân là một trung tâm Thiền học quan trọng. Phái Thiền tông Vinataruci nối tiếp trong 19 thế hệ gồm 28 vị thiền sư nổi danh, kéo dài từ năm 580 đến năm 1216.

Phái Thiền Tông thứ hai là phái Vô Ngôn Thông, được thiết lập tại Bắc Việt vào thế kỷ thứ 9. Tổ sư phái này là một thiền sư Trung Hoa tên là Vô Ngôn Thông. Năm 820, thiền sư đến chùa Kiến Sơ, tỉnh Bắc Ninh, thiết lập thiền đường và hướng dẫn môn đệ. Phái này thuộc về Thiền Tông Trung Hoa, kéo dài tới 15 đời, gồm có 45 thiền sư nổi danh, từ năm 820 đến năm 1221.

Phái Thiền tông thứ ba là phái Thảo Đường. Thiền sư Thảo Đường là đệ tử của thiền sư Tuyết Đậu ở Trung Hoa. Thảo Đường thiền sư qua Chiêm Thành với thầy và đến năm 1069 mới trở lên Bắc Việt. Được sự nâng đỡ của nhà vua, Thảo Đường thành lập một phái Thiền tông kéo dài 5 thế hệ, gồm có 18 vị thiền sư. Phái Thảo Đường kéo dài từ năm 1069 đến năm 1205.

Phái Thiền tông thứ tư là một phái Thiền đặc biệt Việt Nam tên là phái Trúc Lâm được vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia, thành lập tại núi Yên Tử ở Quảng Yên vào thế kỷ thứ 13. Hiện giờ những chùa như Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Bà Đá ở Hà Nội, chùa Phúc Trình ở Ninh Bình, chùa Tử Trầm ở Hà Đông v.v… đều theo môn phái này.

Trong thế kỷ thứ 16 có hai phái Thiền tông nữa được thành lập tại Việt Nam. Đó là phái Tào Động, do thiền sư Thủy Nguyệt và đệ tử của ngài là Tôn Điển sáng lập và phái Nguyên Thiều của thiền sư Nguyên Thiều vốn là người tạo dựng chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định và chùa Quốc Ân ở Huế. Hai phái này vẫn còn sinh hoạt tại Bắc Việt và Trung Việt.

Đến thế kỷ thứ 17, thiền sư Lân Giốc, dòng dõi chúa Trịnh, lập một phái Thiền tông mới tức là phái Liên Tôn mà chùa Liên Phái hiện giờ gần Hà Nội là cơ sở. Đến đầu thế kỷ thứ 18 thiền sư Thiệt Diệu thành lập tại miền Trung, chùa Thiền Tôn, một phái mới tên là phái Liễu Quán. Rất nhiều vị Tăng sĩ miền Trung và miền Nam bây giờ thuộc về phái này.

Nhìn vào lịch sử Phật Giáo Việt Nam, người ta thấy rằng Thiền (tiếng Phạn Dhyāna, Trung Hoa là Chan, Nhật Bản là Zen) là tông phái chính. Sự thực hành Thiền học không phải là một sự thực hành dễ dàng, vì thiền đòi hỏi một đời sống tâm linh phong phú, sâu sắc, một công phu luyện tập lâu bền, một ý chí đạt đạo vững mạnh. Trừ những học giả, phần nhiều người Tây phương đều có quan niệm rất mơ hồ về đạo Phật. Phần nhiều đều nghĩ rằng bản chất của đạo Phật là một đức tin vào thuyết luân hồi và tu theo Phật giáo là ăn chay, cầu nguyện, xa lánh những dục vọng để có thể thoát vòng luân hồi. Trên một nền tảng ngộ nhận như thế, người ta không bao giờ hiểu thấu được một quan niệm như quan niệm „Phiền não tức Bồ đề“, quan niệm „Tứ Nhiếp Pháp“ vốn là những thực hiện lớn lao nhất của đạo Phật trong phạm vi sinh hoạt tâm linh cũng như trong phạm vi sinh hoạt xã hội.

Thiền là một học phái nổi danh nhất trong các phái Phật giáo. Thái độ của Thiền về vấn đề đi tìm chân lý cũng như về vấn đề sống là một thái độ rộng rãi và vô cùng tiến bộ. Với Thiền, không còn giáo điều nào, không còn đức tin nào có thể chận đứng được sự tiến hóa của con người về phương diện nhận thức cũng như về phương diện hành động. Thiền khác với các tôn giáo ở chỗ Thiền không bị quy định bởi một niềm tín ngưỡng. Thiền là một thái độ, một phương pháp để đạt đến nhận thứchành động. Kỹ thuật điều chỉnh ăn uống, điều chỉnh hơi thở, tập trung tư tưởng và tham thiền được xem là quan trọng hơn tín ngưỡng. Người theo theo thiền định không còn căn cứ vào đức tin nơi địa ngục, Niết Bàn, luân hồi và quả báo. Người thực tập thiền định chỉ cần căn cứ vào thực tại bản thân mình, tâm lý, sinh lý của mình và những kinh nghiệm để lại hoặc sự hướng dẫn của những thiền sư đi trước. Mục đích là để đạt, để thấy và một khi đã đạt, đã thấy thì hành động tự nhiên phù hợp với sự thực.

Thiền là một hệ phái trong số những hệ phái thuộc Phật Giáo Đại Thừa mà người ta thấy ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng, Việt Nam. Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana ) thuộc về khuynh hướng tiến bộ, sẵn sàng để lột xác, sẵn sàng để hòa mình vào và chấp nhận những điều kiện văn hóa, xã hội của từng địa phương, từng thời đại. Phật giáo Nam Tông hay Tiểu Thừa (Hinayana) mà ta thấy ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt chẳng hạn thì có khuynh hướng bảo thủ hơn.

Ở Việt Nam, sự phát triển của Phật giáo Nam Tông được thực hiện rất chậm trong lịch sử, dù rằng Phật giáo Nam Tông đã có dịp du nhập vào từ những thế kỷ đầu của lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Phật giáo Nam Tông sau này mới đặt được cơ sở, nhất là những nơi có nhiều đồng bào gốc Miên. Sự giao dịch văn hóa và kinh tế giữa Cam Bốt và Việt Nam đã giúp cho Phật Giáo Nam Tông thiết lập được nhiều cơ sở tại miền Nam và một ít tại miền Trung. Phật Giáo Nam Tông ở Việt Nam, tuy thiểu số, đã làm được một công việc mà trên thế giới chưa có nơi nào thực hiện được: Đó là là hợp tác với Phật Giáo Bắc Tông trong một Giáo Hội Bắc-Nam-Tông Thống Nhất. Sự kiện lịch sử này đánh dấu một kỷ nguyên mới của Đạo Phật Việt Nam. Sự thống nhất được thực hiện trong đại hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào những ngày cuối năm 1963, sau ngày chính phủ Ngô Đình Diệm bị xô ngã. Kinh nghiệm về sự thống nhất Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông ở Việt Nam có thể là con đường đưa tới viễn tượng một giáo hội Phật Giáo Thế Giới Thống Nhất trong tương lai.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Trích trong sách: Hoa sen trong biển lửa)

Khúc Hát Gia Trung

Thơ: Nguyễn Sỹ Tế


Phương Hải Tần

Giã từ thành quách hoang liêu,
Trăm năm để hận một chiều nước mây.
Mái sương chia nửa chốn này,
Nghe tâm tư động sáu giây nguyệt cầm.
Khúc nghê thường những huyễn âm,
Vành nôi ngọc thụ một mâm hoang đường.
Ðan thanh khép kín nẻo tường,
Bước chân hoang dại nhớ phương hải tần.
Lên cao giũ áo phong trần,
Xuống khe gột rửa nợ nần hôi tanh.
Một mùa xuân thật hiền lành
Cỏ cây dệt mộng áo xanh trong đời.


Phiêu

Cỏ rêu nở nụ hoa vàng
Một con suối nhỏ lang thang trong rừng.
Khói tuôn mép rẫy ngập ngừng
Ðôi ba mái lá ngủ lưng chừng đồi
Non mờ chắn lối xa xôi,
Bốn phương mây trắng, một trời hoang liêu.
Gió lên thung đã rất chiều,
Nhân sinh trọn một chữ „phiêu“ vô tình!


Cơ Hội Cuối

Rừng núi bao la toàn khối nặng
Lạnh lùng che khuất cả trời xa
Sườn non bỗng thấy, trên màu lá,
Ngói đỏ nhô lên một mái chùa.

Tăng thân: Cộng đồng thân yêu

Chúng ta cần có một Tăng thân để tu tập. Chính Bụt cũng phải cần có một Tăng thân. Ở Làng Mai chúng ta nói: Không có Tăng thân thì Bụt cũng sẽ không làm được gì nhiều. Bụt có một chí nguyện lớn là giúp người bớt khổ. Ngài biết nếu không có một Tăng thân thì mình sẽ không thể thực hiện được chí nguyện đó. Vì vậy ngay khi thành đạo dưói gốc cây bồ đề Ngài đã biết là mình cần có một Tăng thân để có thể giúp đời. Vì vậy công việc đầu tiên mà Bụt làm sau khi thành đạo là đi tìm những thành viên để xây dựng một Tăng thân, mà những người đầu tiên là năm anh em đã cùng thực tập với Bụt khi xưa. Năm người này là thành viên đầu tiên của Tăng thân của Bụt. Bụt đi đến vườn Lộc Uyển và cho bài pháp thoại đầu tiên. Không phải chỉ có Bụt mà người nào muốn thực hiện chí nguyện của mình cũng cần phải dựa vào một Tăng thân.

Nếu có chí nguyện giúp đời thì ta cũng cần có một Tăng thân. Là một hành giả ta phải xây dựng một Tăng thân tại địa phương của mình. Ta có thể quay về nương tựa Tăng thân để duy trì sự tu tập. Tăng thân là nơi mà nhiều người có thể đến để nương tựa. Tiếp xúc với Tăng thân thì ta có thể tiếp xúc với Pháp và với Bụt. Xây dựng Tăng thân là một việc làm rất quan trọng.

Khi tôi gặp ông Martin Luther King lần đầu tiên tại Chicago vào năm 1966 thì ông đã nói tới việc xây dựng Tăng thân. Tôi gặp ông vào ngày 01 tháng 06 năm 1966. Vào đúng một năm trước đó, tôi có viết cho ông một lá thư từ Việt Nam. Trong thư tôi giải thích cho ông tại sao các thầy Phật giáo ở Việt nam lại tự thiêu:“Đây không phải là một hành vi bạo lực mà là một hành động từ bi để nói lên cho thế giới biết là chúng tôi không muốn có chiến tranh này. Chúng tôi xin các bạn giúp chúng tôi chấm dứt sự giết chóc trên đất nước của chúng tôi. Chúng tôi bị kẹt giữa quyền lực của hai khối, khối cộng sản và khối chống cộng sản, và có hàng ngàn người chết mỗi ngày. Chúng tôi không thể lên tiếng, chúng tôi không có phương tiện truyền thanh, truyền hình và báo chí, chúng tôi chỉ có chết. Vì vậy cách thức duy nhất mà chúng tôi có thể làm là tự thiêu để cho thế giới chú ý đến chúng tôi, để cho thế giới biết là chúng tôi không muốn cuộc chiến này.“ Trong thư, tôi giải thích cho ông Luther King rằng hành động tự thiêu không phải là một hành động tuyệt vọng và bạo lực mà là một hành động căn cứ trên lòng từ bi. Khổ đau của ông thầy Phật giáo tự thiêu cũng giống như khổ đau của chúa Jésus trên cây thánh giá: mình chết vì lợi ích cho người khác, mình chết không phải vì tuyệt vọng mà chết vì hy vọng.

Đúng một năm sau, tôi gặp ông Martin Luther King, chúng tôi có cùng một tầm nhìn và chúng tôi bàn với nhau về vấn đề xây dựng Tăng thân. Tôi sử dụng danh từ “Tăng thân“ còn ông thì dùng danh từ “cộng đồng thân yêu“ (beloved community).

Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai trong một cuộc hội nghị về hòa bình có tên là “Hòa bình trên thế giới“ (Peace on earth) tại Genève. Chúng tôi tiếp tục bàn với nhau về vấn đề xây dựng Tăng thân. Điều không may là ông Martin Luther King đã bị ám sát chết ba tháng sau đó. Lúc đó tôi đang ở New York, tôi đã ngả bệnh khi nghe tin ông bị ám sát và tôi đã lập lời thề sẽ tiếp tục xây dựng Tăng thân. Tôi làm công việc này cho tôi và cho ông tại vì chúng tôi biết rằng không có Tăng thân thì chúng tôi không thể hoàn thành được chí nguyện của mình.

Bồ đề tâm

Bồ đề tâm, bodhicitta (the mind of love) là một nguồn năng lượng rất lớn. Mỗi người tu tập đều phải được nuôi dưỡng bằng loại thực phẩm gọi là tư niệm thực (volition) đó. Tư niệm thực của chúng ta là chí nguyện chuyển hóa bản thân và giúp đời. Để có thể chuyển hóa bản thân và giúp đời thì chúng ta phải cần có một Tăng thân. Không có Tăng thân thì ta không thể duy trì sự tu tập của mình được lâu dài. Ta có thể có được một chút chuyển hóa trong khóa tu, nhưng sau đó ta lại bị thế giới bên ngoài kéo ta đi và ta không duy trì được sự tu tập. Vì vậy cho nên sau một khóa tu ta được khuyến khích nên làm như Bụt đã từng làm: tìm những thành viên để lập một Tăng thân tại địa phương.

Xây dựng Tăng thân

Có được một Tăng thân gồm những người cùng tu tập chung với nhau thì ta sẽ nuôi dưỡng và duy trì được sự thực tập của mình. Tăng thân có khả năng chế tác được năng lượng chánh niệm và tự bi tập thể có công năng nuôi dưỡng rất nhiều người. Do đó có một Tăng thân, chúng ta có thể giúp được rất nhiều người giống như Bụt đã làm. Bụt đã cống hiến cả đời mình trong công việc xây dựng một tăng đoàn và Bụt là một dựng tăng xuất sắc. Nhiều lúc trong tăng đoàn có sự chia rẽ, có những vấn đề lớn xảy ra. Nhưng Bụt là một người rất kiên nhẫn, Ngài đã có gắng chữa trị, thống nhất lại và nuôi dưỡng tăng đoàn bằng mọi phương tiện. Chúng ta có thể học được từ Bụt.

Bụt đã gặp vua Prasenadi (Ba Tư Nặc) lần cuối cùng khi đến hành đạo ở Kosala. Trong lần gặp gỡ cuới cùng đó, vua nói với Bụt rằng:

–  Bạch Đức Thế Tôn, mỗi lần con nhìn thấy tăng đoàn của Ngài thì con thấy Ngài và con có niềm tin hơn ở Ngài.

Tăng đoàn là một kiệt tác của Bụt. Bụt đã để tất cả thì giờ và năng lượng của mình vào công việc xây dựng tăng đoàn, tại vì tăng đoàn là sự tiếp nối của Bụt. Vua Ba Tư Nặc cùng một tuổi với Bụt.

Tất cả chúng ta đều có một Chúng sinh thân và tất cả những người tu tập đều có một Pháp thân. Vì vậy mỗi người trong chúng ta cũng nên có một Tăng thân. Nếu ta muốn sự thực tập của mình được lâu dài, nếu ta muốn giúp được càng nhiều người càng tốt thì ta cần có một Tăng thân. Ta không thể chỉ có nương tựa vào Tăng thân mà ta còn phải thành lập, xây dựng và nuôi dưỡng Tăng thân giống như Bụt, thầy của chúng ta đã làm. Tăng thân là một đoàn thể mà trong đó có sự hòa hợp và có tình huynh đệ.

Những yếu tố cần thiết để xây dựng Tăng thân là phương pháp lắng nghe và ái ngữ. Nếu mọi người trong Tăng thân biết cách nghe với tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ thì họ có thể tái lập sự truyền thông và hoà giải được. Tăng thân sẽ trở thành một công cụ tuyệt vời để giúp được cho đời.

Chân Tăng

Tăng thân là một viên ngọc. Không những Bụt và Pháp là một viên ngọc, mà Tăng cũng là một viên ngọc. Nếu có được một Chân Tăng 真 僧 (true Sangha) tức là một Tăng thân có sự hòa hợp và tình huynh đệ thì ta có trong tay một phương tiện để có thể thực hiện được giấc mơ của mình. Chân Tăng là một Tăng thân có sự hòa hợp, có tình huynh đệ, và trong đó mọi người đều có thực tập niệm, định và tuệ.

Trong Tăng thân ta thấy được Bụt và Pháp. Một Chân Tăng chuyên chở được Chân Pháp và Chân Phật. Cách hay nhất để thấy được Bụt là nhìn vào Tăng thân. Nếu có con mắt vô tướng ta sẽ thấy được Bụt và Pháp trong Tăng mà không cần phải sang tận Ấn Độ. Xây dựng được một Chân Tăng thì ta làm cho Bụt và Pháp có mặt đó cho thế giới, vì vậy Chân Tăng là một viên ngọc quí. Điều này có thể thực hiện được, ta có thể xây dựng một Tăng thân tại địa phương của mình.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Dịch từ bài pháp thoại thiền sư Nhất Hạnh giảng ngày 05.06.2014 trong khóa tu 21 ngày dành cho người Tiếp Hiện)

Phương pháp học hỏi và tu tập đạo Bụt

Nghệ thuật nói Pháp và nghe Pháp

Trong đạo Bụt, chư tổ đã truyền lại cho chúng ta phương pháp học hỏi và tu tập (methodology) để trở thành tri kỷ có thể hiểu được Bụt.

Phương pháp Bốn tiêu chuẩn (Tứ tất đàn 四 悉 檀, siddhānta)

Tứ tất đàn là bốn tiêu chuẩn về sự thật. Trong khi đọc kinh chúng ta thấy những điều dạy trong kinh nhiều khi có vẻ chống đối nhau. Chúng ta hoang mang không biết cái nào là đúng. Cũng là những điều Bụt nói, nhưng tại sao có khi Bụt nói như thế này, có khi Bụt nói như thế kia. Phương pháp Tứ tất đàn giúp chúng ta có thể phân biệt được.

1. Thế gian tất đàn 世 間 悉 檀

Thế gian tất đàn có nghĩa là những cái thấy của thế gian, những quan niệm của thế gian là như vậy nên chúng ta phải tùy thuận theo. Nếu không nói theo văn mạch của thế gian thì người ta không thể hiểu được. Ví dụ như Bụt nói: “ Thầy A Nan ơi, thầy đi thiền hành với tôi lên đỉnh đồi! ” Bụt dùng chữ tôi, thầyđỉnh đồi. Tôi với thầy là hai cái ngã và đỉnh đồi là một pháp. Như vậy là có hai cái ngã cùng đi tới một cái pháp. Trong đạo Bụt không chủ trương có ngã và pháp. Đứng về phương diện chân lý tuyệt đối thì không có ngã và không có pháp. Nhưng nếu không sử dụng ngôn từ của thế gian thì làm sao Bụt dạy cho người thế gian. Bụt nói như vậy nhưng không có nghĩa là Bụt tin vào sự có mặt của một cái ngã riêng biệt hay một pháp riêng biệt. Thế gian nói “trời cao đất dày” thì chúng ta nói “trời cao đất dày”. Thế gian nói “có trên có dưới” thì chúng ta nói “có trên có dưới”. Chúng ta đang ngồi đây thì ta nói phía này là phía trên và phía kia là phía dưới. Nhưng những người ở bên kia bán cầu thì phía trên của ta là phía dưới của họ. Cách nói tùy thuận theo thế gian không có nghĩa là chúng ta nói trái chống lại với sự thật. Đó cũng là một loại sự thật, nhưng là sự thật tương đối.

2. Các các vị nhân tất đàn 各 各 為 人 悉 檀

Các các vị nhân tất đàn có nghĩa là tùy vào căn cơ của người nghe mà ta nói pháp khác nhau. Đối với người này ta phải nói như vậy, nhưng đối với người khác ta phải nói cách khác. Có một người tới hỏi Bụt: “Anh đó đã tu tập rất nhiều năm rồi, khi anh tịch thì đức Thế Tôn nghĩ anh sẽ đi về đâu, về cõi trời nào?” Bụt nói: “Có thể anh ta sẽ sinh lên tầng trời thứ 33 hay lên cõi trời Đâu Suất.” Nhưng khi có người khác tới hỏi cùng một câu hỏi như vậy thì Bụt lại trả lời: “Anh không đi về đâu hết. Anh không từ đâu tới mà cũng không đi về đâu.”

Có người hỏi tại sao Bụt lại trả lời khác nhau như vậy? Bụt nói rằng: “Tùy theo từng người, với người không còn chấp thì tôi trả lời thế này, với người còn chấp thì tôi trả lời thế kia, nếu không thì người đó sẽ không có chỗ nào để bám víu.”

Trong đạo Bụt có niềm tin về nhân quả, nghiệp và quả báo. Ta gieo cái gì thì sẽ gặt cái đó. Nhưng trong đạo Bụt cũng có giáo lý về vô ngã. Nếu nói đến tạo nghiệp thì phải có người để gieo nghiệp và đến khi nghiệp quả chín thì phải có người để thọ nhận. Nhưng trong kinh cũng có nói là không có người gieo nghiệp và không có người nhận chịu quả báo. Như vậy dường như có sự mâu thuẫn là giáo lý vô ngã không đi đôi được với giáo lý nghiệp báo và nhân quả.

Những người có trí tuệ có căn cơ cao do đã từng tu học, có khả năng hiểu được rằng quả báo hay nghiệp có thể có được mà không cần phải có cái ngã. Trong kinh có những đoạn rất hay: Người tạo nghiệp và người nhận chịu quả báo là một hay là hai người khác nhau? Nếu nói rằng người tạo nghiệp là một với người chịu quả báo thì chúng ta bị kẹt vào ý niệm thường. Nếu cho rằng người gieo gió và người gặt bão là một thì chúng ta bị kẹt vào ý niệm nhất. Có một anh nọ gửi một chậu sữa cho một bà kia. Anh đi một thời gian, khi về anh hỏi chậu sữa của anh đâu. Bà kia đưa ra một chậu chỉ có bơ. Anh hỏi bà kia tại sao anh gửi bà sữa mà bây giờ chỉ toàn là bơ. Như vậy thì sữa với bơ là hai (otherness) hay là một (sameness)? Không phải một cũng không phải khác, chúng là phi nhất phi dị  非 一 非 異. Nếu nói người gieo nghiệp và người thọ nhận quả báo là một thì ta bị kẹt vào thường kiến (eternalism), trong khi vạn vật là vô thường. Nếu nói người gieo nghiệp và người thọ nhận quả báo là hai người khác nhau thì ta bị vướng vào đoạn kiến (annilihationism). Thường kiến và đoạn kiến đều là những tà kiến.

Giáo pháp của Bụt rất thâm sâu. Nhưng đối với những người mới học thì ta phải nói có cái ngã, có người gieo và người gặt. Đối với những người khác thì ta có thể nói không có thường cũng không có đoạn. Nói như vậy mới có thể tới gần với sự thật.

3. Đối trị tất đàn 對 治 悉 檀

Đối trị có nghĩa là bệnh nào thì cho thuốc đó. Nếu người kia có tham, có vướng mắc đam mê, có buồn khổ và tuyệt vọng thì thầy thuốc phải kê toa cho đúng, nếu cho thuốc sai thì người đó có thể sẽ chết. Một lần Bụt nói về vô thường, vô ngã và khổ đau như thế nào mà nhiều thầy thấy cuộc đời chán quá và đi tự tử. Như vậy Bụt cũng đã có cơ hội để học hỏi. Là giáo thọ, ta cũng cần phải học hỏi mà đừng nghĩ rằng những điều ta nói là hoàn toàn đúng, vì có thể ta chưa quán cơ được. Giáo pháp phải có tính cách khế cơ, tức phải tùy thuộc vào căn cơ và khả năng của người nghe. Nhưng giáo pháp cũng phải khế lý, tức phải có mùi vị của Phật pháp.

Thiền sư Triệu Châu nói tất cả mọi loài đều có Phật tánh để người ta đừng bị mặc cảm là họ không thể tiến bộ và đi lên được. Ngày hôm sau có một người lên hỏi thiền sư: “Con chó có Phật tánh không?” Theo nguyên tắc, nếu thiền sư nói giống như hôm qua thì con chó cũng có Phật tánh. Nhưng anh này lên hỏi chỉ để khoe là mình đã hiểu những điều thầy nói. Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Không!” Nếu thiền sư trả lời có thì anh này hí hửng đi về và cho là đã đủ. Thiền sư phải nói không để anh ta thất điên bát đảo và anh phải tìm hiểu thêm. Đó là tùy bệnh mà cho thuốc. Trong những buổi vấn đáp của chúng ta, thỉnh thoảng cũng có những người lên không phải để hỏi mà chỉ để chứng tỏ là người đó đã hiểu thầy rất nhiều, đã hiểu giáo lý rất sâu sắc.

Một đạo sĩ thuộc phái Kỳ Na giáo tới hỏi Bụt là có ngã hay không có ngã. Bụt không trả lời. Khi ông ta đi rồi, thầy A Nan ngạc nhiên hỏi Bụt: “Tại sao đức Thế Tôn không trả lời? Ông đó hỏi có ngã không, Ngài không trả lời. Ông đó hỏi có phải là không có ngã hay không thì Ngài cũng im lặng.” Bụt trả lời: “Thầy A Nan, nếu tôi nói có ngã thì trái với giáo lý tôi dạy lâu nay. Còn nếu tôi nói không có ngã thì tôi biết ông ấy sẽ đau khổ lắm. Lâu nay ông tưởng là có ngã, bây giờ nghe nói không có ngã thì ông phải làm sao đây!”

Bụt đọc được tâm trạng của ông đạo sĩ. Nếu Bụt nói vô ngã thì tuy là đúng với giáo pháp nhưng điều đó có thể sẽ làm cho ông ta điên. Ông sẽ nghĩ: Lâu nay mình tin là có ngã, bây giờ nghe nói là vô ngã thì làm sao mình sống được? Những kinh này chứng tỏ Bụt đã sử dụng phương pháp đối trị tất đàn.

4. Đệ nhất nghĩa tất đàn 第 一 義 悉 檀

Đệ nhất nghĩa đế hay thắng nghĩa đế, tức là sự thật tuyệt đối. Sự thật tuyệt đối có thể giúp cho người ta giải thoát được. Nhưng nó cũng có thể làm cho người ta cảm thấy bơ vơ vì có thể người ta đang bám víu vào một sự thật tương đối nào đó. Giáo lý không hay giáo lý tương tức là đệ nhất nghĩa đế.

Câu “thử hữu tắc bỉ hữu” là một câu chưa đi đúng với đệ nhất nghĩa, nó chưa phải là chân lý tuyệt đối. Thử hữu tắc bỉ hữu có nghĩa là cái này có vì cái kia có (this is because that is). Cái này (this) và cái kia (that) là một sự phân biệt: cái này không phải là cái kia. Theo đệ nhất nghĩa tất đàn thì cái này nằm trong cái kia, cái này chính là cái kia. Đứa con và bà mẹ là hai danh từ khác nhau. Khi nhìn cho kỹ thì ta thấy đứa con có trong bà mẹ và bà mẹ có trong đứa con. Sự thật sâu hơn là có sự tương tức: con tức là mẹ, mẹ tức là con. Câu nói “mẹ sinh ra con” chưa phải là đệ nhất nghĩa tất đàn.

Khi tổng thống Obama nhận tin ông được tái đắc cử, ông gửi cho các bằng hữu và cử tri của ông một thông điệp rất ngắn: This happened because of you. Chuyện này xảy ra là nhờ nơi các bạn. Nhưng trong đệ nhất nghĩa tất đàn thì cái này và cái kia không phải là hai cái riêng biệt, chúng ở trong nhau, chúng tương tức. Đó là chân lý tuyệt đối (paramārtha).

Đây là bốn phương pháp đầu gọi là Bốn tiêu chuẩn về sự thật: Thế gian tất đàn, Các các vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn và Đệ nhất nghĩa tất đàn. Nếu nắm vững được phương pháp này thì ta có thể phân biệt được những giáo nghĩa được dạy trong kinh thuộc về tiêu chuẩn nào và ta không còn thấy những giáo nghĩa đó trái chống nhau nữa.

Giáo lý “thử hữu tắc bỉ hữu” đã sâu sắc lắm rồi, nhưng vẫn chưa đi tới Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đệ nhất nghĩa tất đàn là không, thử không mà bỉ cũng không. Không có thử bỉ, chỉ có tương tức. Nắm được bốn tiêu chuẩn về sự thật thì chúng ta sẽ bớt hoang mang khi đi vào trong kinh điển.

Phương pháp Bốn sự y cứ (Tứ y 四 依)

Tứ y là bốn sự nương nhờ, căn cứ. Tứ y có thể được dịch là the four reliances.

1. Y pháp bất y nhân 依 法 不依 人

Y pháp bất y nhân có nghĩa là dựa vào chánh pháp mà đừng dựa vào con người. Hồi tôi còn học mẫu giáo, cô giáo khuyên học trò như thế này: Không nên đi giày cao gót vì nó dễ làm trẹo chân và đi đứng không được dễ dàng. Trong khi đó thì cô giáo đang đi giầy cao gót. Khi học Phật pháp thì ta đừng nên vì vị giảng pháp mà bỏ Phật pháp. Người đó tuy tánh tình khó chịu nhưng biết nói pháp. Ví dụ như ta biết có một viên ngọc rơi vào thùng rác, muốn lấy viên ngọc đó thì ta phải vọc tay vào thùng rác và chịu dơ tay để lấy viên ngọc ra. Viên ngọc là Pháp, thùng rác là người. Người đó tuy khó chịu nhưng mình phải chịu đựng để học được giáo pháp từ người đó. Ngày xưa có một thầy rất giỏi, thầy thuộc hết cả tam tạng kinh điển nhưng thầy hơi khó chịu. Các thầy khác biết rằng nếu không chìu thầy này thì họ sẽ không có cơ hội ôn tụng và học hỏi giáo pháp, nên họ rất chìu thầy ấy để thầy đọc ra tất cả các kinh điển cho các thầy khác chép hết xuống lá bối. Đừng vì một người chưa dễ thương mà mình bỏ giáo pháp. Đó là y pháp bất y nhân (rely on the Teaching, not on the teacher).

Hồi còn trẻ khi học phương pháp này tôi rất ấn tượng với hình ảnh trong thùng rác dơ có một viên ngọc quý: mình phải chịu khó bị dơ tay để lấy được viên ngọc đó. Có những người chỉ thích nói mà không làm. Vì vậy có người chủ trương là phải ráng làm theo điều mình nói. Như vậy thì Pháp mới đi đôi với người. Bên Trung Quốc có một triết gia tên Vương Dương Minh chủ trương tri hành hợp nhất (知 行 合 一) tức là cái biết và cái làm đi đôi với nhau (walk the talk).

2. Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh  依了義 經 不 依 不了義  經

Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh là nương vào kinh liễu nghĩa mà đừng nương vào kinh không liễu nghĩa. Những kinh liễu nghĩa là những kinh đi được với Đệ nhất nghĩa tất đàn, là những kinh nói lên được chân lý tuyệt đối. Bất y bất liễu nghĩa kinh là đừng nương vào những kinh nói về chân lý nửa vời với mục đích áp dụng cho những người chưa đi sâu lắm trong sự học hỏi. Ví dụ trong kinh A Di Đà có câu: „Xá Lợi Phất, tại sao cõi đó được gọi là cõi Cực lạc? Xá Lợi Phất, tại vì ở cõi đó người ta chỉ có hạnh phúc mà không biết khổ đau là gì“. Câu kinh này rất hấp dẫn vì nó rất khế cơ. Phần lớn chúng ta ham tới một cõi mà nơi đó không có khổ đau, chỉ có hạnh phúc. Trong khi đó theo giáo lý thâm sâu của đạo Bụt thì khổ đau và hạnh phúc tương tức. Hạnh phúc được làm bằng những chất liệu trong đó có khổ đau. Câu nói đó trong kinh A Di Đà là một câu không liễu nghĩa. Nhưng câu đó đóng được vai trò của nó vì chúng sanh ham muốn một nơi không có đau khổ mà chỉ có hạnh phúc. Ở Làng Mai chúng ta cứ học đi học lại rằng khổ đau và hạnh phúc tương tức, không có đau khổ thì không có hạnh phúc. Khổ đau là chất liệu để làm ra hạnh phúc. Không có bùn thì không có sen. Chúng ta không bài bác kinh A Di Đà. Câu nói đó trong kinh A Di Đà cũng là kinh, nhưng là kinh bất liễu nghĩa. Khi nghiên cứu, học hỏi đạo Bụt chúng ta phải dựa theo tiêu chuẩn đó. Chúng ta phải căn cứ vào những kinh liễu nghĩa để đi tới kết luận tối hậu mà đừng căn cứ trên kinh không liễu nghĩa. Liễu nghĩa là nghĩa lý tuyệt đối sâu nhất.

3. Y nghĩa bất y ngữ 依 義  不 依 語

Y nghĩa bất y ngữ là nương vào nghĩa lý mà đừng nương vào văn tự (rely on the meaning not on the words). Khi đọc những câu kinh chúng ta đừng bị kẹt vào chữ. Ta phải thấy ý mà đừng bị kẹt vào lời. Ví dụ như khi đọc câu “thử hữu tắc bỉ hữu” ta đừng vội cho là thử và bỉ là hai cái khác nhau.

4. Y trí bất y thức 依 智不 依 識

Y trí bất y thức là nương vào trí mà đừng nương vào thức. Thức của mình có vô minh, có thành kiến, có tập khí, có sự kỳ thị phân biệt. Trí thì sáng, không bị phiền não che lấp và có tính cách trực giác, đi thẳng không qua lý luận. Vì vậy người tu phải dựa trên trí nhiều hơn thức.

Đó là Bốn tiêu chuẩn về chân lý và Bốn sự y cứ mà chúng ta có thể sử dụng trong khi học hỏi và tu tập.

Bốn phép thần thông: Tứ như ý túc

Như ý có nghĩa là vừa ý, là thỏa mãn ước vọng của mình. Tứ như ý túc, tiếng Phạn là rddhi-pāda, còn được gọi là Tứ thần túc, tức là bốn phép thần thông (the four psychic powers).

1. Dục (chanda)

Dục là muốn. Dục thần túc là sức mạnh của ý muốn, phải muốn thật nhiều mới thành công. Muốn đi xuất gia mà chỉ muốn 70% thì không thể thành công được. Ta phải muốn 100% hay 120% thì mới nên xuất gia. Dục là một sức mạnh tâm linh. Muốn ở đây không phải là chuyện xấu, không phải ta muốn danh, muốn lợi hay muốn sắc dục. Muốn là một sức mạnh. Vì nếu cái muốn đó đủ mạnh thì ta có thể buông bỏ được những cái khác. Nếu cái muốn quá yếu thì ta không buông bỏ được những hệ lụy. Ví dụ như ta đang xem Tivi, đang nghe nhạc Trịnh Công Sơn hay đang coi phim trên internet vì ta thấy buồn và trống trải, và ta bị chìm đắm trong đó. Nhưng niềm vui đó rất giả tạo. Ta đang rong chơi trong thế giới internet, ta tìm cái này cái kia để giải khuây cho đỡ buồn vì trong lòng ta đang có một khối u sầu, một khoảng trống vắng mà ta không biết cách xử lý. Khi mở TV ra xem không hẳn là tại TV hay, khi nghe nhạc không hẳn là vì nhạc hay. Nhưng vì ta cảm thấy trống trải, cô đơn, buồn khổ, nên ta đi tìm sự khỏa lấp.

Trong khi đó thì sự sống tràn đầy những mầu nhiệm. Cơ thể của ta đây là một mầu nhiệm lớn. Khoa sinh học đã đi khá xa nhưng vẫn chưa thấy hết được sự mầu nhiệm của cơ thể con người. Một lá cây, một bông hoa, một hành tinh hay một giọt sương chứa trong đó bao nhiêu là mầu nhiệm. Nhưng ta không tiếp xúc được, không thấy được hết những mầu nhiệm của sự sống. Vì trống trải, buồn khổ, sầu đau nên ta tìm vào trong thế giới của giả tạo như internet, nhạc tình sầu,v.v…

Làm thế nào để giúp cho người kia ra khỏi cái thế giới giả tạo đó? Ta phải làm cho người kia có một cái muốn, muốn trở về với sự sống trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với những mầu nhiệm đang có trong giây phút hiện tại. Ví dụ như thay vì nghe nhạc thì ta tắt nhạc để theo dõi hơi thở. Hơi thở của ta vô cùng mầu nhiệm, thở vào ta biết là ta đang thở vào và thấy được là ta đang có một hình hài. Hình hài này rất mầu nhiệm, nó mang theo tất cả tổ tiên và các thế hệ tương lai. Tổ tiên đã trao cho ta hình hài này và ta sẽ trao nó lại cho con cháu ta. Mình có được sự sống mà không biết sống, không biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Ta cứ nói đời là khổ trong khi cuộc đời rất mầu nhiệm. Cuộc đời có chiến tranh, có đói nghèo, có áp bức, nhưng cũng có những mầu nhiệm của sự sống như: bốn mùa rất đẹp, không khí rất trong, biển xanh rất hùng tráng. Ta phải biết cách tự nuôi dưỡng để có khả năng làm giảm thiểu những khổ đau trên trái đất. Và để làm được chuyện đó ta phải thực tập. Ta thực tập trở về với hơi thở, tiếp xúc với hình hài và làm cho hình hài lắng dịu. Ta thực tập xử lý những niềm đau nỗi khổ trong ta để ta có an lạc và niềm vui mà giúp đời. Đó là cái muốn nhưng nếu cái muốn đó quá yếu thì ta chẳng làm gì được. Vì vậy thần thông đầu tiên là phải có cái muốn hướng thượng.

Mỗi người hãy tự hỏi: Mình có cái muốn hướng thượng hay không? Cái muốn của mình ít hay nhiều? Ở Làng Mai chúng ta thường nói: Nếu tâm muốn đi xuất gia chưa được 100% thì đừng nên xuất gia. Không ai ép ta đi xuất gia. Siddhārtha có cái muốn rất lớn. Siddhārtha đã thấy những đau khổ trong cuộc đời, Siddhārtha đã thấy rằng làm một nhà chính trị thì không thể giúp được đời cho nên Siddharta có cái muốn đi tìm con đường để tự chuyển hóa mình và giúp người khác. Là một vị hoàng tử sống trong nhung lụa xa hoa nhưng Siddhārtha đã bỏ tất cả để sống một cuộc sống đơn sơ của một đạo sĩ, sống một mình trong rừng. Đó là thần thông, thần thông này ta cũng có thể có mà không cần phải tu luyện lâu ngày.

Đang đi mà ta suy nghĩ vớ vẩn tới chuyện quá khứ, chuyện tương lai, hay nói chuyện này chuyện nọ với người khác, thì ta đánh mất cơ hội để có hạnh phúc. Nếu biết cách tiếp xúc với giáo lý đạo Bụt, thấy được phép thiền hành là mầu nhiệm thì ta ngưng được sự suy tư, ngưng được câu chuyện, chỉ để ý tới hơi thở và bước chân. Ta ý thức rõ là ta đang còn sống và ta đang đặt những bước chân lên mặt đất. Đó là một phép lạ, đó là thần thông. Đi trên mặt đất, đó là đang làm phép thần thông. Thiền sư Lâm Tế nói đó là “địa hành thần thông” 地 行  神 通 (the miracle of walking on earth). Tất cả chúng ta đều có thể làm được phép địa hành thần thông. Ta đừng tưởng chỉ có tiên mới làm được phép lạ. Địa là đất, hành là đi, địa hành là đi trên mặt đất. Ta không cần đi trên lửa hay trên mây, ta chỉ cần đi trên đất thì đó đã là thần thông rồi. Nhờ có niệm, định và tuệ mà mỗi bước chân đều có an lạc, có hạnh phúc và có tình thương là ta đang tạo ra thần thông.

Ta đừng nên có mặc cảm là mình không biết làm phép lạ. Ta có thể làm được phép lạ. Người kia đang ở trong trạng thái buồn khổ, chán đời. Ta tới ngồi với người đó, mỉm cười và nói một vài câu giúp cho người đó ra khỏi địa ngục. Nhiều thiền sinh tới đây trong trạng thái buồn khổ, chán nản. Một thầy hay một sư cô ngồi chia sẻ với họ và trong vòng 10 hay 15 phút đã có thể giúp cho họ thoát ra khỏi địa ngục, đó là thần thông. Nếu muốn, mỗi sư chú, mỗi sư cô, mỗi thầy đều có thể làm được như vậy. Giúp đời, cứu người là chuyện ta có thể làm được. Nhưng trước đó ta phải biết giúp mình và cứu mình.

Sư cô Chân Không là người chuyên cho thiền sinh tham vấn ở xóm Mới. Sư cô báo cáo rằng nhiều khi chỉ trong vòng 20 phút là mình có thể biến đổi được một con người, làm cho mắt họ sáng lên, họ nở được nụ cười và ra về trong hạnh phúc. Đó gọi là giáo hóa thần thông, tức là phép lạ của sự giáo hóa. Là người xuất gia, ta làm thần thông cho mình rồi làm thần thông cho người khác. Khi nói một bài pháp thoại hay hướng dẫn một buổi pháp đàm có thể là ta đang làm phép thần thông. Ta nói pháp thoại hay hướng dẫn pháp đàm không phải để chứng tỏ ta có kiến thức về Phật pháp, mà ta đang làm phép thần thông, tức là đang giúp cho nhiều người thoát ra khỏi nỗi khổ niềm đau của họ.

2. Tâm (citta)

Tâm của ta rất mầu nhiệm. Tâm bao gồm cả vũ trụ. Tất cả đều do tâm. Ta đừng cho rằng tại người kia làm mình khổ hay là vì không có người kia nên mình mới khổ. Hạnh phúc hay khổ đau là do tâm mình mà ra.

Theo đạo Bụt thì có mười cảnh giới: Thiên, Nhân, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Bụt. Mười cảnh giới này đều có trong tâm. Ta muốn đi tìm Bụt thì tìm ngay trong tâm, mà muốn đi tìm địa ngục cũng tìm ngay trong tâm mình. Địa ngục đi lên từ tâm ta chứ không phải là ta rớt xuống địa ngục. Ta phải chọn lựa, cũng như đài truyền hình có mười kênh, ta muốn kênh nào thì bấm kênh đó. Ta có phép thần thông để chọn lựa. Tại sao mình lại chịu chết trong một cảnh giới mà ta có thể thoát ra khỏi nơi đó một cách rất mau chóng.

3. Cần (vīrya)

Cần là siêng năng, là năng lượng của sự tinh tấn. Chúng ta biết Tứ chánh cần là một phương pháp rất hay. Ở Làng Mai, Tứ chánh cần là phương pháp thực tập tưới tẩm hạt giống tốt. Chúng ta chỉ tưới tẩm những hạt giống tốt trong ta mà đừng tưới tẩm những hạt giống không tốt thì tự nhiên hạnh phúc có mặt trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Ta chỉ tưới tẩm hạt giống tốt nơi người kia mà đừng tưới tẩm những hạt giống không tốt. Đó là sự tưới tẩm có chọn lọc (selective watering). Người kia có hạt giống thiên đường, hạnh phúc; ta tưới tẩm hạt giống thiên đường, hạnh phúc ấy thì người đó sẽ có hạnh phúc. Người kia có hạt giống xuất gia, ta tưới tẩm hạt giống xuất gia thì người kia sẽ đi xuất gia. Người kia có hạt giống Bụt, ta tưới tẩm hạt giống Bụt thì người đó sẽ thành Bụt.

Tứ chánh cần là bốn phương pháp thực tập: đừng tưới tẩm những hạt giống xấu trong ta và trong người. Nếu những hạt giống xấu đã biểu hiện rồi thì ta tìm cách nhận diện chúng và mời những hạt giống tốt lên. Nếu những hạt giống xấu chưa biểu hiện thì đừng để chúng biểu hiện. Những hạt giống tốt chưa biểu hiện thì ta tìm cách tưới tẩm để cho chúng biểu hiện. Những hạt giống tốt đã biểu hiện rồi thì ta nên giữ cho chúng được biểu hiện càng lâu càng tốt. Với phương pháp tưới tẩm có chọn lọc, ta có thể làm cho đời sống ta hạnh phúc theo như ý mình. Ta biết cách xử lý nỗi khổ niềm đau để không bị nó làm cho tràn ngập. Ta cũng biết cách giúp cho người kia không bị tràn ngập bởi nỗi khổ niềm đau của họ. Ta kéo họ ra khỏi ngục tù của quá khứ và lo lắng cho tương lai. Chỉ cho họ thấy được trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở để người đó có cơ duyên được trị liệu và nuôi dưỡng. Đó là thần thông mà ta có thể làm được, ta đừng nên mặc cảm.

4. Quán (mīmāsā)

Quán là năng lượng giúp ta có thể thấy và nghe thật sâu để hiểu. Khi có hiểu thì ta sẽ phá tung được mạng lưới của sự khổ đau và u mê. Ví dụ như khi quán về vô thường, vô ngã, về cái giận, về cái chết, về sự sống. Nhờ vào sự quán chiếu mà ta vượt thoát khỏi ý niệm có-không, sống-chết để ta có tự do và hạnh phúc.

Chúng ta không phải là thần linh hay Thượng đế nhưng ta có quyền năng trong tay của mình, ta có thể làm ra phép lạ. Ta có thần túc là Dục như ý túc, Tâm như ý túc, Cần như ý túc và Quán như ý túc. Quán chiếu là một sự thực tập, cũng như muốn chơi tennis hay chơi pingpong thì chúng ta cũng phải tập.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Trích trong sách Tri Kỷ của Bụt)

Cùng bước với Thầy 

Allan Badiner

Hồi ký 30 năm cùng chung bước với một thiền sư Việt Nam của Allan Badiner, một đệ tử lâu năm của thiền sư Nhất Hạnh

Trở lại khoảng thập niên 80, tôi có quen với một anh thiền sinh cư sĩ tên Michael Attie. Giới truyền thông thường gọi Michael là “ông tu sĩ đồ lót” tại vì có một lần anh tổ chức một buổi ngồi thiền trên sân thượng cơ sở kinh doanh của anh. Đó là tòa nhà Playmates Hollywood, một trong những cửa hàng kinh doanh đồ lót lớn nhất thế giới. 

Vì anh cứ luôn rủ rê nên năm 1987, vào một ngày chủ nhật, tôi đã nhận lời cùng anh tới gặp một ông thầy tu Phật giáo người Việt Nam cũng là một nhà hoạt động chống chiến tranh. Thầy đang có một buổi nói chuyện dưới gốc cây gọi là “Teaching Tree” của Hiệp Hội Ojai, cách Los Angeles khoảng 90 phút lái xe. Hiệp hội do Joan Halifax, một nhà nhân chủng học, thành lập. Joan Halifax từng làm việc chung với Joseph Campbell, một nhà văn và thần thoại học nổi tiếng với câu châm ngôn mà chúng ta thường nghe ”Hãy theo đuổi hạnh phúc của đời bạn”. Mục đích của hội là kết hợp các nhà giáo gốc Hoa Kỳ và các thiền sư Phật giáo cùng giảng với nhau trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đối diện với rặng núi Topa Topa.

Lần đầu tiên vừa nhìn thiền sư Thích Nhất Hạnh (thường được học trò gọi là “Thầy”), trong tiếng Việt có nghĩa là “thầy giáo”, tôi đã bị thu hút bởi sự trầm lặng nơi Thầy. Tôi vẫn luôn nhớ cái cách Thầy bắt đầu câu nói:” Quý anh chị thân mến, cuộc ước hẹn với sự sống của chúng ta chỉ có thể có mặt trong giây phút hiện tại.”. Người ta thấy rõ ông thầy tu dễ mến và đầy nhiệt quyết này là một thí dụ sống để cho chúng ta hiểu thế nào là một vị Bụt.

Trong chiến tranh Việt Nam, phe Cộng sản cho Thầy là CIA, và CIA thì cho Thầy là Cộng Sản. Bị cấm trở về nước, Thầy sống lưu vong ở Pháp. Cùng năm đó Thầy được ông Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa Bình. Khi Thầy nói về hòa bình thì chúng ta cảm thấy một sự bình an thật sự phát sinh ra trong ta và chung quanh ta.  Thầy lấy sự giảng dạy thực tập chánh niệm và nghệ thuật chế tác bình an cho tất cả các quốc gia có liên quan đến cuộc chiến dai dẳng và tàn hại trên đất nước và dân tộc của Thầy làm sự nghiệp của đời mình, tôi tin chắc như vậy. Liền ngay sau buổi nói chuyện đó thì tôi trở thành một thành viên trong cộng đồng của Thầy, một cộng đồng được nhà văn Phật giáo Rick Fields gọi là “Tăng Thân lưu động quốc tế và liên tôn” (International and interdenominational floating sangha) và tôi tham dự khóa tu 10 ngày cho văn nghệ sĩ được tổ chức tại Ojai.

Từ đó, trong suốt 10 năm, tôi tham dự các khóa tu mùa hè tại Làng Mai, một trung tâm tu học ở miền Tây Nam nước Pháp. Tôi tháp tùng Thầy trong 3 chuyến đi thuyết giảng ở Ấn Độ, tham gia những chuyến hành hương ở Nhật, Trung Quốc và Việt Nam, tiếp đón Thầy ở Rom và được Thầy làm chủ hôn trong lễ cưới. Tôi thấy được ở Thầy một con người và một bậc thầy, cái phong thái nhẹ nhàng, dễ thương có lúc giống như trẻ thơ cùng với sự dũng mãnh và trung thực đến vô tình. 

Đối với tôi Thầy là một người cha, một người thầy, một ngôi sao nhạc Rock và cũng có khi là một người xa lạ. Thầy giống ba tôi một cách lạ lùng, từ tướng mạo (kể cả cái khoảng trống giữa hai răng cửa) cho tới tính cách biết chừng mực. Thầy có sức chịu đựng bền bỉ của một người kém hơn 20 tuổi. Tôi vẫn thường kinh ngạc vì năng lượng đi hoằng pháp khắp nơi không ngừng nghỉ của Thầy, và đồng thời Thầy cũng còn có thời giờ để sáng tác ra hơn 100 cuốn sách và giảng hơn ngàn bài pháp thoại công cộng.

Khi số Tricycle này đang được phát hành thì ông Thầy 88 tuổi đang nằm trong bệnh viện sau khi bị xuất huyết não. Tôi chỉ là một trong mười ngàn người trên khắp thế giới tích cực tham gia cầu nguyện cho Thầy được hồi phục, ngược lại với sự chẩn đoán.  Thật là khó cho tôi khi phải quán chiếu sự sống trong một thế giới không có thầy Thích Nhất Hạnh. Tất cả các quan niệm của cá nhân tôi về những chủ đề sâu sắc của sự hiện hữu, về ý nghĩa của sự sống, về tình thương, về cho và nhận và về cái chết đều được hình thành một phần không nhỏ bởi những bài giảng và lối sống gương mẫu của Thầy. Trong khi Thầy đang ở trong tình trạng giữa sống và chết thì tôi không thể nào không hồi tưởng lại những khoảng thời gian thực tập đánh dấu cho cuộc hành trình của tôi cùng Thầy trong 28 năm qua.  

Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân 

Một buổi tối ở Sanarth, Ấn Độ, nơi Bụt đã cho bài pháp thoại đầu tiên, Thầy thức rất khuya để cùng tôi viết ra Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm dưới ánh nến. Bài này sẽ được đọc như lời phát nguyện trong lễ cưới của tôi, một lễ cưới bằng tiếng Anh đầu tiên mà Thầy làm chủ lễ. Thầy dịch sơ từ tiếng Việt ra tiếng Anh và tôi cố gắng hết sức để trau chuốt lại. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng Thầy đã soạn ra như thế nào đó để tôi có thể nhớ được trong buổi lễ. Hôm sau, sau khi đi một vòng quanh tháp Dhamekh, tiệc cưới được bày ra dưới góc một cây xoài to và chúng tôi đọc Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm mà trọng tâm là ý thức được hạnh phúc không phải là một vấn đề cá nhân. 

Chúng con ý thức rằng tất cả các thế hệ tổ tiên và con cháu đều đang có mặt trong chúng con. 

Chúng con ý thức sự mong đợi của tổ tiên, của con cháu và của con cháu họ nơi chúng con.

Chúng con ý thức rằng niềm vui, sự bình an, tự do và sự hòa hợp của chúng con là niềm vui, sự bình an, tự do và sự hòa hợp của tổ tiên con, của con cháu con và của con cháu họ. 

Chúng con ý thức rằng sự hiểu biết là yếu tố căn bản nhất của tình thương.

Chúng con ý thức rằng trách móc và tranh cãi không bao giờ giúp được cho chúng con mà chỉ tạo thêm sự xa cách; chỉ có sự hiểu biết, sự tin tưởng và tình thương mới có thể giúp cho chúng con thay đổi và lớn lên. 

Vợ tôi và tôi phải đọc lời phát nguyện này mỗi giữa tháng với sự chứng kiến của các thành viên trong tăng thân, hoặc như lời Thầy nói: “Hôn nhân có thể tan vỡ”. Điều này đã xảy ra 20 năm sau.

Công năng của sự thực tập đơn giản

Khóa tu trên núi Fuji, Nhật bản, vừa kết thúc thì chúng tôi vội vã rời đi ngay để bắt kịp xe lửa. Thầy đang vẫy chào các sinh viên đến bến xe để tiễn Thầy. Cửa xe lửa vừa đóng lại thì tôi thấy nhiều bạn sinh viên đột nhiên quỵ xuống đất giống như là họ cùng ngã lăn ra bất tĩnh cùng một lúc vậy. Khi chúng tôi đến nơi (Kamakura) thì bỗng nhiên tôi không nhìn thấy gì nữa cả và cũng không sử dụng được hai chân của mình. Richard Baker chở tôi tới Ryokan (một nhà trọ truyền thống Nhật bản). Thầy và sư cô Chân Không ở sát bên tôi cho đến khi tôi cảm thấy khá hơn. Sau này chúng tôi biết là do một loại nấm người ta hái trên núi để nấu thức ăn cho khóa tu sau. Nấm có độc và hơn 60 người đã phải nhập viện. Trong số những người theo Thầy chỉ có tôi là đi lấy một ít thức ăn trưa trong nhà ăn trên đường ra trạm xe lửa. Tôi nhớ tới pháp môn đơn giản “thở và cười” mà Thầy đã dạy và tôi bắt đầu thực tập để có thể đối phó với nỗi lo sợ không biết là mắt mình có thể nhìn thấy trở lại được hay không. 

Không thiên vị 

Thầy là vị thầy mẫu mực đối xử với công bình với tất cả mọi người, mặc dù một vài đệ tử nước ngoài thường có khuynh hướng muốn tìm sự chú ý, sự khen ngợi và sự công nhận của Thầy. Sự công nhận của Thầy, phần lớn là một nụ cười và thỉnh thoảng Thầy nhấp nháy mấy ngón tay hoặc là được Thầy mời vào trong cốc uống trà nhưng rất hiếm khi. Được Thầy của mình công nhận là một sự mong đợi hợp lý, và Thầy cũng hành xử như thế nhưng với một mức độ tối thiểu. Tôi rất kính phục cách hành xử không phân biệt của Thầy đối với học trò, mặc dù vì thế cho nên nhiều vị đệ tử lâu năm của Thầy cảm thấy bất mãn vì bị đối xử giống như những thiền sinh vừa tới thực tập lần đầu tiên. Và họ đã bỏ đi không đến nữa. Một anh học trò đã bỏ đi hỏi tôi:”Anh không cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải nghe lặp đi lặp lại như vậy à?”Tôi không cần suy nghĩ lâu để trả lời câu hỏi anh ta. Tôi nói, vì tính của tôi mau quên nên nghe đi nghe lại một bài pháp thoại rất có ích cho tôi. Đôi khi, tham dự một khóa tu của Thầy cũng giống như là thực tập với Bụt lịch sử. Thầy vẫn hay nói:”Tôi không phải là Bụt đời này. Quí vị đừng chờ đợi một vị Bụt đời này. Bụt đời này chính là Tăng Thân.”

Đón nhận cái mới

Năm 1995 tôi lập trang nhà cho các tổ chức và các nhóm, và công việc này rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi và Arnie Kotler, một đệ tử khác của Thầy, cùng làm một tủ sách trên mạng cho nhà xuất bản của Thầy là Parallax Press. Và lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu Thầy Thích Nhất Hạnh và những pháp môn của Thầy trên mạng.  Đầu năm 1996 tại Làng Mai, chúng tôi trình bày thử trang mạng mới này cho Thầy, quý thầy quý sư cô và vài học trò tại gia của Thầy xem. Phản ứng của người xem rất là tích cực, đối với một vài vị thì đây là lần đầu tiên mà họ nhìn thấy một trang mạng. Nhưng có một cô học trò phản đối thật hùng hồn về mặt triết học. Cô cho rằng trang mạng là công cụ của các tập đoàn, là sự mở rộng lòng tham và sự thống trị của họ đối với giai cấp công nhân. Cô không thích ý tưởng thu nhỏ vị thầy tâm linh của mình lại thành những tính hiệu nhị phân 1 và 0, và Thầy được chế tạo ra bằng điện tử cho những mục tiêu thương mại. Tôi sửng sốt!

Thời gian dành cho buổi thuyết trình đã hết và mọi người quay về công việc của mình. Thầy đến gần tôi nói, Thầy rất thích trang nhà này và khuyên tôi đừng nên nản chí. Thầy đồng ý là công nghệ thông tin rất có ích trong việc truyền bá pháp môn thực tập. Và Thầy chấp thuận cho trang mạng được tiến hành. 

Trẻ em là ưu tiên số một

Thầy luôn mời trẻ em nắm tay Thầy đi thiền hành trong những buổi giảng hay trong những khóa tu. Thầy thích thực tập với những người trẻ. Có vẻ như họ tiếp thu được rất nhanh pháp môn thiền hành và thực tập giỏi hơn cả người lớn. Con gái của tôi, nay đã trưởng thành, vẫn rất trân quý kỷ niệm được đi thiền hành với Thầy. Lúc nó 6 tuổi, Thầy đã ngừng lại giữa buổi pháp thoại để gởi lời chúc bình an sau khi được tin nó ngả bệnh vào đêm qua. Sau này, khi tôi đến cảm ơn Thầy thì Thầy nói ngắn gọn là tôi đừng nên cảm ơn Thầy mà hãy biết ơn vì con gái tôi đã không sao. 

Có một lần chúng tôi cùng ngồi thành vòng tròn với Thầy trong Vườn Tre, nơi ngày xưa được dùng làm chỗ ở của Bụt và tăng đoàn. Bây giờ nơi này đã trở thành công viên công cộng bị bỏ phế của một ngôi làng ở thành phố Rajgir. Chúng tôi ngồi im lặng, lắng nghe những tiếng động chung quanh. Giữa những tiếng chim kêu ồn ào đó bỗng nhiên xuất hiện em bé trai và một em bé gái khoảng 7, 8 tuổi. Chúng đến ngồi dưới chân Thầy và đưa tay ra xin ăn. Thầy ra dấu cho chúng đến ngồi kế bên và nắm tay chúng trong suốt buổi viếng thăm đó để bày tỏ tình thương.

Có mặt cho người khác 

Chúng tôi chuẩn bị leo lên Ngũ Đài Sơn, một ngọn núi thiêng liêng của Phật giáo ở Trung Quốc. Bỗng nhiên Thầy kêu gọi mọi người trong xe buýt (phần đông là quý thầy và quý sư cô) hãy đi thật chậm và chỉ bước một bước chân thật chánh niệm cho mỗi hơi thở. Thầy thấy đau lòng khi nhìn thấy học trò xuất sĩ của mình hấp ta hấp tấp như những khách du lịch khác. Trước đó tôi đã thấy Thầy ngồi quan sát các thầy, các sư cô đi thiền trong bãi đậu xe từ cửa sổ xe buýt. Có vẻ như là Thầy rất vui. Khi chúng tôi leo từng bước rất là nghi lễ lên con đường mòn đá cũ thì có những nhóm nhỏ khách du lịch trung quốc vượt nhanh qua chúng tôi và sau đó trở xuống lại mà hình như cũng chẳng nhận ra sự hiện diện của chúng tôi. Tôi nghĩ là chúng tôi đã chế tác ra một thứ năng lượng khác lạ nào đó khiến mình trở nên vô hình đối với họ. 

Khi tới gần ngôi chùa trên Ngũ Đài Sơn thì tôi hiểu ra rằng Thầy muốn năng lượng chánh niệm tập thể của phái đoàn sẽ tạo một ấn tượng cho vị trụ trì của ngôi chùa. Sau khi vào trong chùa, giữa khung cảnh của toàn tỉnh Sơn Tây Trung Quốc bao quanh, Thầy và Shantum Steth, anh hướng dẫn viên người Ấn và cũng là học trò lâu năm của Thầy, tổ chức một buổi thiền trà nghi lễ với vị trụ trì trong sự chứng kiến của phái đoàn. Thầy cười thật tươi, có còn khi bật cười to lên nữa. Niềm vui của Thầy lan rộng đến mọi người có mặt trong lúc đó. Chúng tôi là một nhóm người hành hương rất hạnh phúc đang tận hưởng một buổi hoàng hôn mà chúng tôi chắc rằng hùng vĩ nhất trên toàn nước Trung Quốc. 

Lớn lên và thay đổi

Trong chuyến hành hương đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1987 thì sự di chuyển trong khu vực Phật giáo (một khu vực nghèo nhất ở Ấn Độ) thật là vất vả. Đường đi gập ghềnh, nhà trọ thì đầy loại gậm nhấm và không có cả nước máy. Mặc kệ sự phản đối của Thầy, tất cả mọi người, kể cả quý thầy và quý sư cô, đều nhất quyết vào một khách sạn sang trọng mới xây của người Nhật để ăn mì và tắm rửa. Thầy ngồi lại một mình trong xe buýt nóng tới bốc khói. Đối với tôi, lúc đó Thầy trở nên một con người thực hơn bao giờ hết. Sau đó, tôi đi viếng các hang động gần ngọn núi. Tôi vào một động có tên là Động Bụt. Vào bên trong, thấy Thầy đang thắp hương nên tôi quay ra để không làm phiền Thầy. Nhưng Thầy mời tôi ở lại, nở một nụ cười thật ấm áp, và rời khỏi hang động ít phút sau đó. Trong những lần viếng thăm thành phố Rajgir sau này thì Thầy đến ở khách sạn nhật bản cùng với mọi người.

Chấp nhận những thử thách 

Tôi, sư cô Chân Không và Thầy – lúc đó 80 tuổi – cùng leo lên những ngọn núi gần tu viện Lộc Uyển ở San Diego. Thầy và sư cô rất thích những ngọn núi này. Thầy không có một dấu hiệu mệt mỏi nào, mặc dù vừa hướng dẫn xong khóa tu một tuần cho gần 200 thiền sinh. Thầy leo lên thật chậm rãi và thong thả, chọn chỗ đặt chân lên một cách cẩn thận. Ấy vậy mà tôi vẫn phải ráng sức leo cho nhanh để bắt kịp Thầy. Khi lên tới đỉnh chúng tôi đứng lặng yên một lúc để thưởng thức gió mát và quang cảnh chung quanh. Chúng tôi nói với nhau, đứng nhìn ở góc độ này thật là thú vị – mình ở trên cao bỏ lại những vấn đề đang chờ mình phía dưới. Rồi Thầy thú nhận một điều khiến tôi giật mình. Thầy cảm thấy sức mình từ từ yếu đi bởi cái trách nhiệm đối với bao nhiêu là đệ tử, trong đó có cả đệ tử xuất gia.  Họ chờ đợi Thầy phải luôn hành xử như một siêu nhân trong mọi tình huống. Đó là sự thử thách không ngừng đối với Thầy. Thầy nói, so với những lúc cảm thấy thoải mái thì Thầy phải nổ lực nhiều hơn để có được cái cảm giác tự do. Tôi nhận ra rằng làm một vị thầy không phải là công việc dễ dàng và tuyệt vời như mình nghĩ. Lợi ích của việc trở thành người lãnh đạo, chủ yếu là dành cho người khác. 

Từ lần gặp gỡ đầu tiên với Thầy dưới gốc cây ở Ojai, tôi và những người có mặt ở đó đã nhận ra rất rõ là Thầy có một khả năng truyền đạt giáo lý Bụt thật phi thường – lời nói đi đôi với việc làm. Thầy sử dụng những từ ngữ giản dị, cân nhắc, sâu sắc, cũng như mọi động tác của thầy đều được tẩm bằng chánh niệm. Giọng nói của Thầy có hai tính chất – vừa dịu dàng vừa mãnh liệt – không khác gì giáo pháp mà Thầy đã cống hiến hết cả cuộc đời của mình. 

Học với Thầy có thể giúp tôi chuẩn bị tốt cho một sự chuyển tiếp, như là hành xử như thế nào trong tình trạng hiện nay của Thầy. Chính Thầy đã nói:

Thân này không phải là tôi; tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy. 

Tôi là sự sống thênh thang,

Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt.

Nhìn kia biển rộng trời cao,

Tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức.

Tự muôn đời tôi vẫn tự do.

Tử sinh là cửa ngõ ra vào.

Tử sinh là trò chơi cút bắt. 

Là một người cha tâm linh của bao nhiêu người, Thầy nhắc nhở cho chúng ta rằng, cha mẹ ta vẫn còn sống dù cho là họ đã qua đời. Họ đã tặng cho chúng ta một món quà cuối cùng. Đó là một phần của chính chúng ta. Thầy giải thích, có một phần tinh hoa nằm ngủ sâu trong ta cho tới khi cha hay mẹ ta qua đời. Khi cha hay mẹ ta mất thì cái phần tinh hoa ấy sẽ thức dậy, và ta sẽ trở thành ta một cách trọn vẹn.  Nói cách khác là “cha mẹ ta không bao giờ chết, họ vẫn tiếp tục sống trong ta.”

Thầy nói: 

Hãy nắm tay tôi 

Hãy vẫy chào

Để rồi tức thì gặp lại.

Gặp lại hôm nay

Gặp lại ngày mai

Chúng ta đang gặp nhau nơi suối nguồn.

Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngày nẻo sống. 

(Dịch từ“On the path with Thay“ của Allen Badiner đăng trên tạp chí tricycle, số mùa xuân 2015)

Ngày của Mẹ

Thơ: Trụ Vũ

Giữa Trụ Vũ và thầy Nhất Hạnh có một mối giao tình. Năm 1949, Trụ Vũ và thầy Nhất Hạnh, hai nhà thơ trẻ, đã gặp nhau tại chùa Giác Nguyên ở Khánh Hội. Trụ Vũ cảm hứng kịch thơ „Tiếng Địch Chiều Thu“ của thầy Nhất Hạnh và làm một bài thơ tặng thầy có tựa là Thi Tứ và đề tặng: tặng Nhất Hạnh để bắc cầu thông cảm giữa Đạo và Thơ

(Trụ Vũ)

Bài thơ này Trụ Vũ viết cho mẹ. Mẹ là thơ, là hoa cúc vàng trong sương mưa, là màu nâu quê hương, là trăng tròn tháng bảy, là lửa trong tim con, v.v…

Ngày của Mẹ

ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi em còn có mẹ trong tâm

ai bảo em…bảo rằng vũ trụ
chỉ bâng quơ…cái sự tình cờ
không, có Mẹ trong trời đất chứ!
để cho mình mãi mãi như thơ

vâng thơ đấy, chính là thơ đấy!
cả đất trời là cả tình yêu
từng hạt cát, bông lau, cành sậy…
bao trang nghiêm cho bấy yêu kiều

hôm nay đã vào thu…tháng bảy
hỏi ngoài kia có gió may không?
không có gió hoa vàng vẫn vậy
vẫn ngân nga những tiếng tơ đồng

thấy hoa cúc tưởng hình dung mẹ
hoa cúc vàng thấm hạt sương mưa
trong ý gió niềm sương lặng lẽ
nghe lung linh bóng mẹ“giao thừa“

trên hoa cúc một bầu trời rộng
trải vô cùng cái bóng cao xanh
bên hoa cúc một bàn tay mộng
năm ngón xòe nụ bưởi long lanh

bên sắc thắm có màu nâu nhỉ
màu nâu non đời mẹ quê hương
từ vạn cổ bên bờ sông Nhị
áo mẹ quê đã ngát thiên trường

ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi nhân gian còn bóng mẹ hiền
khi cánh quạt non đoài đã khép
giữa đêm rằm tháng bảy, trăng lên

quê ta đó, một vừng trăng ngọc
trên cành dâu, trăng sáng, em ơi
không biết chữ mà nghe biết đọc
bao Vu Lan cho bấy nụ cười

ai bảo em bảo rằng vũ trụ
chỉ tình cờ ta gặp nhau đây
không, có mẹ trong trời đất chứ!
cho đôi ta vĩnh viễn sum vầy

trăng tháng bảy gương tròn bóng mẹ
(mà tháng nào trăng chẳng tròn gương)
quê ta đó, một trời hoa lệ
bao nhiêu trầm cho bấy nhiêu hương

nhớ cái thủa tiên rồng gặp gỡ
bước cha hùng như nhịp triều xuân
trên đỉnh núi Ba Vì hoa nở
áo mẹ ngời thông điệp tường vân

khắp vũ trụ thảy ngời thông điệp
kể tự ngày tiên gặp rồng kia
mỗi con bướm, sâu, từng địa huyệt
thảy hoan ca điệp khúc Ba Vì

mẹ như thế! như rằm tháng bảy
như hoa vàng tháng bảy, như mưa
ôi những hạt mưa lành thủy đại
rưới thiên hoa nhuận khắp chân thừa

mẹ như thế! như rằm mọi tháng
và như đêm, đêm của vì sao
của Nguyên Lý Hòa Hài tỏa rạng
khắp thiên hà: diễm lệ chiêm bao

cái nguyên lý của tình yêu ấy
của trái tim mẹ ấm mười phương
không có mẹ, sao trời xanh vậy
có trời xanh để có hoa hường

ôi những cánh hoa hường của mẹ
của ngày rằm tháng bảy Vu Lan
ngày mẹ đấy! nhớ về em nhé!
Và nhớ cài hoa nhé, em ngoan!

ngày mẹ đấy! nhớ về em nhé!
ôi cái ngày đẹp nhất bình sinh
hoa mẹ đấy! cài lên áo nhé!
cài nghe em, giữa trái tim mình!

hoa cẩm chướng hai màu: một đỏ
dành cho ai còn mẹ trên đời
và một trắng dành cho ai đó
mất mẹ rồi, trọn kiếp mồ côi!

sung sướng nhỉ! những người còn mẹ
còn mẹ, em còn cả đất trời
đau đớn nhỉ! những người mất mẹ
mất mẹ là mất hết, em ơi!

hoa cẩm chướng hai màu: trắng đỏ
ôi, hai màu cao quí vô song
đó, tặng phẩm của tình yêu đó
dành cho ai có mẹ trong lòng

dù còn mẹ, hay dù mất mẹ
thì em ơi, em vẫn là con
xin ấp ủ trọn đời, em nhé!
bóng mẹ hiền giữa trái tim son

xin mãi mãi là con của mẹ
phải không em, như thế trọn đời
xin mãi mãi vẫn là đứa trẻ
và, không bao giờ cả, mồ côi

nếu mẹ có vườn dâu khuất bóng
thì, trong ta, mẹ vẫn còn đây
trong ngọn lửa tình con nóng bỏng
mẹ thương yêu vĩnh viễn sum vầy

như thế đấy, cái ngày của mẹ
nó kéo dài suốt cả đời ta
hạt châu vẫn kết tinh từ lệ
cho trong ngần nụ tuyết liên hoa

ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi em còn có Mẹ trong tâm!…

Thể xác và linh hồn

Hai quan niệm lưỡng nguyên về thân và tâm

Đại đa số có một cái nhìn lưỡng nguyên về thân và tâm, họ nghĩ có cái thân và cái tâm hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó theo đệ nhất nghĩa đế thì thân và tâm là một khối.

Hiện nay trong lĩnh vực khoa học thần kinh não bộ, 98-99% các nhà khoa học vẫn tin rằng tâm là một sản phẩm của thân tức ý thức là một sản phẩm của não bộ (consciousness is a property of the brain) mà không phải là một thực tại độc lập. Có hai quan niệm về thân và tâm:

Não bộ (thân) là một thực tại (entity) và từ thực tại đó phát sinh ra tâm thức

Tâm thức đó là một cái gì phải dựa trên não bộ mà phát sinh, không có não bộ thì không có tâm. Đại đa số các nhà khoa học thần kinh não bộ đều tin rằng tâm thức của mình phát xuất từ não bộ, từ các thần kinh. Nhưng theo ánh sáng của đạo Bụt thì chừng nào còn nghĩ như vậy thì người ta còn có những khó khăn.

Nếu chúng ta bị điên loạn hay bị  trầm cảm là tại vì có cái gì bất thường xẩy ra trong não bộ ví dụ như não bộ không có đủ những chất dẫn truyền thần kinh (neuro-transmitteur). Vì vậy muốn cho tâm được an không bị bệnh thì người ta phải chữa nơi não bộ thần kinh. Khuynh hướng đó cho rằng não bộ là cái gốc và người ta bị trầm cảm nặng là do có cái gì sai trong não bộ. Những chất dẫn truyền thần kinh không làm việc nên phải cho người bệnh  uống thuốc gọi là thuốc chống trầm cảm (anti-dépressant) để chế tác thêm những chất dẫn truyền thần kinh. Uống thuốc đó thì người bệnh có thuyên giảm, bớt khổ nhưng họ phải dùng thuốc chống trầm cảm thuốc suốt đời. Dùng thường thì quen thuốc nên người ta phải tăng thêm liều lượng hoài.

Một bên là não bộ tức vật chất (matière) và một bên là tâm thức tức tâm

Não bộ và tâm thức độc lập nhau, vật chất là khác và tâm là khác. Tâm có thể tồn tại ngoài vật và vật có thể tồn tại ngoài tâm. Những người nghiên cứu về những hiện tượng đặc biệt nói rằng: trong trường hợp những nguời bất tỉnh nhân sự thì hồn của họ xuất ra ngoài và quan sát. Nó thấy cái này, nghe cái kia. Hồn đó có mắt, có tai, nó quán sát, nó thấy. Khi hồn nhập lại vào xác thì những người kia tỉnh lại và kể như vậy.

Quan niệm này cũng là một quan niệm lưỡng nguyên (dualistic): thân làm chuyện khác và tâm làm chuyện khác. Linh hồn có thể tồn tại ngoài thân của mình.

Một bên cho tâm là một sản phẩm của thân, một bên cho tâm là một hiện tượng độc lập (separate entity). Cả hai bên đều có khuynh hướng lưỡng nguyên. Vấn đề thân tâm (body and mind) là một vấn đề rất lớn. Ngay hiện bây giờ vấn đề thân và tâm (body and mind) là một vấn đề căn bản không giải quyết được. Là thân thì không thể là tâm mà là tâm thì không thể là thân.

Tín ngưỡng của những Phật tử không đi sâu được vào trong giáo lý thì có khuynh hướng đi theo quan điểm thứ hai tức là cho thân khác với tâm. Khi thân tan rã rồi thì tâm vẫn còn y nguyên, nó bay bỗng ở một nơi nào đó trên không gian, đợi có một bào thai để nhập vô và có sự liên tục. Đó là gọi là luân hồi theo quan điểm bình dân của đa số những người không có cơ hội đi sâu vào trong đạo Phật thâm sâu. Mình là những người có thì giờ để tu học, mình phải có cái thấy gần với sự thật hơn. Mình phải có cái thấy thắng nghĩa, mình phải tiếp xúc được cái thắng nghĩa.

Vì vậy mình chỉ có thể hiểu được luân hồi trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. Không thấy được vô thường, vô ngã và tương tức thì chúng ta chưa hiểu được luân hồi theo thắng nghĩa đế mà chỉ hiểu được luân hồi theo tục đế. Khi chúng ta phân biệt được hai quan niệm về luân hồi đang tràn lan hiện nay, thứ nhất là quan niệm tâm với thân là hai thực tại riêng biệt, thứ hai là quan niệm tâm là một sản phẩm của thân, thì câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Vậy thì cái thấy của đạo Bụt về thân và tâm là như thế nào? Muốn cung cấp cho người ta một câu trả lời, một lối thoát, một giải đáp thì mình phải nắm được giáo lý về vô thường, vô ngã và tương tức, mình phải có một ít kinh nghiệm về tự tính vô thường, vô ngã và tương tức. Mình sẽ thoát ra khỏi hai quan niệm lưỡng nguyên đó và vấn đề về thân và tâm mới có thể giải quyết được.

Bản chất của thực tại

Khoa học cũng như triết học đều muốn khám phá bản chất của thực tại. Khoa học cũng có tiếng nói đối với thời gian và không gian. Khoa học đã đi rất gần tới sư thật tương tức của thời gian và không gian. Thường thì chúng ta nghĩ thời gian là một thực tại riêng biệt và không gian là một thực tại riêng biệt.

Nhưng theo tuyết tương đối của Einstein thì thời gian và không gian là một sự tiếp nối. Nhìn kỹ chúng ta thấy thời gian và không gian tương tức, trong thời gian có không gian và trong không gian có thời gian. Nói tới thời gian, không gian là nói tới vật thể, nói tới vật thể là nói tới năng lượng. Nói tới vật thể, năng lượng là nói tới tốc độ. Thời gian, không gian, vật thể, năng lượng và tốc độ được quán sát bởi tâm thức. Khi có tâm thức can thiệp vào thì tất cả hiện ra như những thực tại riêng biệt. Nhưng nhìn kỹ thì tất cả tương tức: thời gian, không gian, vật thể, năng lượng, tốc độ đều tương tức, ta không thể rứt cái này ra khỏi cái khác. Hiện nay khoa vũ trụ học cũng như khoa học vật lý nguyên tử tới rất gần với giáo lý tương tức. Có rất nhiều dữ kiện để chúng ta có thể chứng minh được sự thật tương tức. Thấy được tính tương tức rồi thì chúng ta trả lời rất dễ dàng những câu hỏi như câu hỏi: Thân và tâm là hai hay là một?

Trong khoa học vật lý lượng tử người ta nói: Có khi lượng tử biểu hiện như sóng và có khi biểu hiện như hạt. Đứng về phương diện khái niệm thì sóng rất khác với hạt. Vậy mà trong khi quán sát và trắc nghiệm ta thấy rõ là lượng tử có khi biểu hiện thành hạt, có khi biểu hiện thành sóng và cũng có khi nó biểu hiện đồng thời thành sóng và hạt.

Thân và tâm của chúng ta cũng vậy, chúng tương tức nhau. Nhìn thân thì thấy tâm, nhìn tâm thì thấy thân. Tại sao ta nói cái này sinh ra cái kia? Khoa học thần kinh bây giờ thấy được rằng bộ óc của chúng ta có tính dẻo (plasticity) và nhu nhuyến. Ta có thể huấn luyện, có thể dạy, có thể chuyển biến được não bộ của ta bằng cái thấy, bằng tư duy, bằng cái tâm của ta. Nếu não bộ có ảnh hưởng trên tâm thức thì tâm thức cũng có ảnh hưởng trên não bộ. Nếu thân có ảnh hưởng trên tâm thì tâm cũng có thể ảnh hưởng trở lại trên thân, tâm có thể trị liệu được thân.

Ta đừng nên nói cái này là vật sở hữu của cái kia. Thay vì nói tâm thức là một thuộc tính của não bộ thì ta có cái thấy sâu sắc hơn: cả não bộ và tâm thức có cùng một bản chất, có khi ta thấy nó là não bộ, có khi ta thấy nó là tâm thức. Hai cái nương nhau mà phát hiện. Ta không thể nói thời gian sinh ra không gian hay không gian sinh ra thời gian mà chúng nó nương vào nhau để sinh ra.

Ta chỉ có thể giải quyết vấn đề “thân và tâm” trên cơ bản tương tức. Người ta đã tìm ra sự thật là điện tử kia là sóng mà cũng là hạt. Sóng và hạt là hai mặt của một thực tại, vậy thì tại sao chúng ta không nói thân và tâm là hai mặt của một thực tại? Tại sao chúng ta còn tranh luận với nhau: Thân và tâm hai cái riêng biệt, cái này là chính còn cái kia là phụ.

Ta không thể nào hiểu được luân hồi một cách tận gốc theo đệ nhất nghĩa đế nếu ta không sử dụng tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức và nhìn luân hồi dưới ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. Các nhà khoa học hiện nay có những dằng co, những bất đồng ý kiến về thân và tâm. Họ chỉ giải quyết được vấn đề khi họ biết sử dụng tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức. Họ phải sẵn sàng để có thể chấp nhận tuệ giác đó vì đó là kết quả của sự quán sát, chiêm nghiệm trong đạo Phật từ 2500 năm nay. Khoa học có thể lợi dụng tuệ giác đó để đi trên con đường khám phá, vượt thắng những tà kiến như thường kiến, đoạn kiến, ngã kiến và nhất là cái thấy lưỡng nguyên.

Thiền sư Nhất Hạnh

Trich trong: Làng Mai nhìn núi Thứu (Định đề 24:Chỉ có thể hiểu luân hồi đúng mức theo đệ nhất nghĩa đế trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức)

Mỗi bước chân là phép lạ

Thương mến tặng em 

Như có lần Thầy đã từng nói: „Thầy có một sự may mắn là thầy chưa bao giờ đánh mất liên lạc với tuổi trẻ„. Tôi cũng có cơ duyên là luôn được tiếp xúc với rất nhiều những bậc thiện tri thức cũng như những người trẻ. 


Một trong những bạn trẻ mà tôi quý mến là em Khoẻ. Gặp em lần đầu tiên trong chương trình „Buổi sáng bình an“ do thầy Minh Hy tổ chức tại cửa biển Thuận An. Tôi cứ thắc mắc không hiểu sao trong khi mọi người đi thiền hành trên bờ biển thì em ấy ngồi yên. Lúc đầu tôi cứ ngỡ chắc em ấy bị ốm vì cũng thấy mọi người quan tâm hỏi han và gọi ra chụp ảnh lưu niệm nhưng em ấy vẫn ngồi yên. Tôi đem thắc mắc này hỏi anh bạn đi cùng thì mới biết rằng em ấy bị liệt từ năm 18 tuổi và sau đó em đã đi bằng đôi chân của anh trai mình. Một người anh trai phải có một tình thương rất lớn mới có thể làm đôi chân cho em, cõng em đi tham dự mọi hoạt động của tăng thân. 


Sau khi kết bạn trên Facebook, thỉnh thoảng đọc những dòng chia sẻ về sự thực tập của em, tôi biết em đã nương vào pháp môn của Thầy rất nhiều để vượt qua chướng duyên mà em gặp phải. Em đã chuyển hóa từ tuyệt vọng khi biết tin mình không thể đi được nữa, dần dần nhờ pháp môn mà em có thể bình thản chấp nhận và còn truyền năng lượng bình an, tích cực cho mọi người. Tôi quý mến em từ đó. 


Tôi luôn theo dõi các bài viết cũng như hành trình cuộc đời của em. Và khi nghe tin em có thể được làm phẫu thuật để hồi phục lại đôi chân, rồi những ngày em mổ, quãng thời gian em bình phục, bắt đầu tập những bước chân đầu tiên tôi đã rất xúc động. Dù ở xa nhưng tôi luôn động viên và gửi năng lượng bình an tới em. 


Rồi một ngày cuối tháng 8, em nhắn cho tôi là sắp ra Hà Nội và nếu được anh em gặp nhau. Tôi đã bảo với em rằng: „chắc chắn anh sẽ gặp em dù có bận đến đâu„. Em bảo giờ chân đỡ hơn rồi, dù vẫn phải dùng thiết bị trợ giúp nhưng em muốn đi ra miền Bắc, muốn đi lên vùng Tây Bắc, Sapa. Em muốn đi khắp nơi, ra khỏi „lũy tre làng“ ở Huế. Em muốn đi cho cha, cho mẹ, những người dù đã lớn tuổi mà chưa có cơ hội đi đây đó. 


Nhìn những bước chân chậm rãi của em bước đi trên vỉa hè Hà Nội làm tôi rất xúc động. Những bước chân đó rồi sẽ đi lên núi cao, lên những bản làng ở biên giới phía Bắc. Dù rất khó khăn nhưng sẽ là những bước chân huyền thoại. Em sẽ đi thay cho Thầy, thay cho cha mẹ em tới những miền đất lạ. Khi nhìn những bước chân đó, tôi nhớ lời Thầy đã dạy:

„Phép lạ không phải là đi trên than hồng, phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ chính là đi những bước chân thảnh thơi và bình an trên đất Mẹ. Hãy đi như đôi chân mình đang hôn lên mặt đất.“


Tôi đã ghi lại những lời dạy này vào cuốn „An lạc từng bước chân“ của Thầy và tặng em. Tôi mong rằng khi em mang theo cuốn sách bên mình, thì em sẽ được tiếp nhận năng lượng an lành từ Thầy, như Thầy đang cùng bước đi theo em trong suốt hành trình. Em đã mang cuốn sách lên tận đỉnh Fansipan và tôi cảm thấy như Thầy, như tôi cũng đang có mặt ở trên đó cùng em. 


Cảm ơn em đã có mặt cho tăng thân, đã truyền những năng lượng tích cực tới cho mọi người. Chúc em luôn khoẻ mạnh, bước chân sẽ dần vững chãi như chính cái tên KHOẺ rất ý nghĩa mà cha mẹ đã đặt cho em. Chắc chắn tới một ngày nào đó, em sẽ tự mình bước đi trên mặt đất. 


Hà Nội, 11/9/2019
Tâm Đại Bi

Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện

Thơ: Nhất Hạnh

Một bài thơ ít được nhắc đến, không phổ thông như những bài thơ nổi tiếng khác của Thầy như: Trường ca Avril, Bướm bay vườn cải hoa vàng, Tìm nhau, Trời phương ngoại, Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng hay Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai, v.v…

Bài thơ không diễn bày những tuệ giác thâm sâu thường thấy trong những bài thơ của Thầy, Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện ướt đẫm tình thương và tình người. Ở đây không có hình ảnh của một thiền sư mà chỉ có sự gặp gỡ ngắn ngủi đầy thương cảm giữa hai thế hệ. Cuộc gặp gỡ không nhiều lời nói, nhưng trong tim trào dâng cảm xúc rất con người. Cái hổ thẹn, cái cảm giác bất lực của thế hệ trước. Cái cảm giác buồn tủi, cái mong manh của thế hệ sau. Khiến người ta muốn khóc! Điều gì“gần như niềm tuyệt vọng“đó làm trái tim đau thắt và đồng thời cũng khơi dậy mối ưu tư về chiến tranh và số phận con người.

Thu dạ độc tọa – Ngồi một mình trong đêm thu – Vương Duy và tuệ giác vô sinh

Thu dạ độc tọa 

Độc tọa bi song mấn
Không đường dục nhị canh
Vũ trung sơn quả lạc
Đăng hạ thảo trùng minh
Bạch phát chung nan biến
Hoàng kim bất khả thành
Dục tri trừ lão bệnh
Duy hữu học vô sinh 

Ngồi một mình trong đêm thu 

Một mình ngồi tóc mai buồn
Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang
Trong mưa rơi rụng trái rừng
Dưới đèn nghe tiếng côn trùng nỉ non
Tóc xanh rồi bạc lẽ thường
Thời vàng son ấy có còn gì đâu
Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già
Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh


Đọc bài thơ „Thu dạ độc tọa“ (Ngồi một mình trong đêm thu) của Vương Duy, bỗng nhiên thấy cảm thán nên viết vài lời tâm tình chia sẻ với các bạn. Tôi tạm dịch bài thơ theo cái hiểu còn rất hạn hẹp của mình. Bài thơ dịch còn nhiều thiếu sót xin các bạn hoan hỷ bỏ qua cho.

Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và nhà thư pháp nổi tiếng thời Thịnh Đường. Ông là người thông hiểu Phật pháp nên thơ của ông thấm đượm mùi Thiền. Bài thơ ”Thu dạ độc tọa” không phải là bài thơ nổi tiếng nhất của Vương Duy nhưng nó chứa đựng tuệ giác vô thường, cái ý thức muốn vượt thoát sinh-lão-bệnh-tử thì chỉ có con đường duy nhất là thực tập để đạt tới cái thấy vô sinh tức cái thấy”vô sinh bất diệt – không có không không” của đạo Bụt. Đó là mục đích tối hậu của người tu tập.

Độc tọa bi song mấn
Không đường dục nhị canh

Một mình ngồi tóc mai buồn
Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang

Độc là một mình, tọa là ngồi, song mấn là hai bên tóc mai.

Đây là hình ảnh của một người tuổi đã xế chiều. Ngồi một mình và nhận ra rằng, hai bên tóc mai của mình đã bắt đầu phai màu.

Với cái tuổi đời chồng chất, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, mình ngồi lại một mình và bỗng nhận ra hai bên tóc mai đã bạc. Cảm thấy một chút thê lương? Giờ phút này mình mới được ngồi yên mà nhìn lại mình cho rõ, cái giờ phút này thật quý báu mà có người cho đến hết cuộc đời cũng không bao gờ có được.

Nhị canh là canh hai. Mỗi canh có hai giờ đồng hồ. Canh một bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ tuất. Canh hai bắt đầu từ 21 giờ đến 23 giờ tức giờ hợi. Không đường là không gian trong phòng.

Không đường dục nhị canh là tiếng trống báo canh hai vọng đến gian phòng. Ngày xưa người ta hay dùng tiếng trống để báo sang canh.

Chúng ta có thể hiểu, Vương Duy là một người thực tập Thiền và có thể ông đang thực tập Mười sáu phép quán niệm hơi thở. Vào lúc khoảng chín giờ tối, Vương Duy ngồi yên một mình trong thiền phòng và thở. Tiếng trống báo canh hai có thể được xem là tiếng chuông gia trì giúp ông đem tâm trở về với thân. Ngồi yên và thở. Đây là hơi thở giúp mình nhận diện, làm lắng dịu hình hài và cảm thọ. Ông ý thức hai bên tóc mai của mình đã bạc và nhận ra cái cảm thọ buồn man mát (bi song mấn).

Vũ trung sơn quả lạc
Đăng hạ thảo trùng minh

Trong mưa rơi rụng trái rừng
Dưới đèn nghe tiếng côn trùng nỉ non

Vũ trung là trong mưa. Sơn quả là trái rừng. Lạc là rơi xuống. Sơn quả lạc có nghĩa là trái rừng rụng xuống.

Đăng hạ là dưới đèn. Thảo trùng là côn trùng. Minh là kêu. Thảo trùng minh có nghĩa là côn trùng kêu, ở đây chúng ta dịch là côn trùng nỉ non.

Vuơng Duy ngồi yên và có mặt trong giây phút hiện tại. Ông ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh mình. Bây giờ là mùa thu, bên ngoài mưa nhẹ ra rít nên nghe được tiếng trái rừng chín rơi rụng trong mưa. Trong thiền phòng, thiền giả ngồi yên dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng đang nỉ non. Chúng ta có thể hiểu Vương Duy đang ngồi thiền trong một gian nhà đơn sơ giữa rừng. Ông chọn một khung cảnh thiên nhiên, vắng vẻ và u mặc để ngồi thiền tối. Có phải lúc đó người ngồi trong thiền phòng, tiếng mưa, tiếng trái rừng rơi rụng xuống đất và tiếng côn trùng đã trở thành một? Cái biên giới giữa người ngồi thiền và không gian trong đó có người đang ngồi thiền không còn nữa.

Bạch phát chung nan biến
Hoàng kim bất khả thành

Tóc xanh rồi bạc lẽ thường
Thời vàng son ấy có còn gì đâu

Bạch phát là tóc bạc. Chung nan biến là không thể thay đổi. Hoàng kim có nghĩa là vàng bạc, cũng có thể hiểu là thời vàng son, hưng thịnh. Bất khả thành là không thể có được, không nắm bắt được.

Dục tri trừ lão bệnh
Duy hữu học vô sinh 

Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già
Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh

Dục tri là muốn biết được. Trừ lão bệnh là thoát khỏi bệnh hoạn và cái già.

Duy hữu học vô sinh có nghĩa là chỉ có được khi có tuệ giác vô sinh.

Muốn thoát khỏi sự già nua, bệnh tật thì chỉ có một phương pháp là chứng được tuệ giác vô sinh. Vô sinh có nghĩa là vô sinh bất diệt, là cái thấy vượt thoát sinh và diệt, có và không, tới và đi, còn và mất.

Đây là sự chứng ngộ. Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ và thiền giả. Thấy được sự thay đổi của chính bản thân mình và của sự vật chung quanh mình, ông nhận ra rằng các pháp đều không thật sự có, chúng không có tự tánh. Nó chỉ là những biểu hiện do duyên sinh, đủ duyên thì hợp, không đủ duyên thì tan.

Trong một bài thơ ngũ ngôn bát cú Vương Duy vẽ ra cho chúng ta bức tranh tuyệt đẹp của một thiền giả ngồi tọa thiền trong một gian nhà vào đêm tối. Trong thiền phòng vọng đến tiếng trống báo canh hai và đó cũng là tiếng chuông chánh niệm đưa tâm trở về với thân. Những hình ảnh rất thi ca hòa lẫn với những âm thanh của thiên nhiên làm tăng thêm tính chất thiền vị của bài thơ. Ngoài kia đang mưa, tiếng mưa lẫn với tiếng trái rừng rơi xuống đất. Trong gian nhà, người ngồi dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng nỉ non. Thật là một khung cảnh êm đềm và bình an của một buổi ngồi thiền. Phải thật sự có mặt mới có thể sống và và cảm nhận được cái giây phút mầu nhiệm này.

Thiền giả ngồi yên, thân tâm lắng dịu, ý thức rõ ràng tóc mình đã bạc. Tóc đã bạc thì không thể trở lại xanh như trước. Tiền tài, danh vọng, giàu sang cũng không giúp cho mình thoát được già yếu, bệnh tật. Mình cũng không nắm bắt được cái thời vàng son ấy (Hoàng kim bất khả thành). Ông ngộ ra rằng muốn vượt thoát già yếu, bệnh tật thì chỉ có con đường thực tập để có được tuệ giác vô sinh.

Vương Duy đã thực tập và đã thấy được nhờ thiền quán. Chúng ta cũng là những người thực tập, chúng ta đã tìm ra chưa? Không phải chỉ những người tuổi hạc đã cao mà tôi nghĩ những người trẻ cũng đã từng có mối ưu tư đó, vì cái lẽ vô thường là chung cho tất cả sự vật. Làm sao thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử? Các bạn có khi nào suy tư đến vấn đề này không?

Tôi chợt nhớ tới một bài thơ của thiền sư Nhất Hạnh, là một bài thơ nhưng viết theo thể văn xuôi, có tựa là Tái sinh. Bài thơ trình bày tuệ giác vô sinh sâu sắc nhưng mang màu sắc nhẹ nhàng của thi ca:

CGL